5 nguyên tắc sống đơn giản - P3 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-08-27 1.2k Lượt xem 66 Lượt thích 0 Bình luận
The Winner Takes It All
Những thế hệ 7x, 8x hẳn không thể không biết bài hát này, đó là bài hát của ban nhạc ABBA. Tôi đã mở hết các lá bài nhưng vẫn là người thua cuộc, cô ý đã thắng và cô ý đã có tất cả, người thua cuộc thì nhỏ bé bên người chiến thắng. Lời bài hát như văng vẳng bên tai ta, thật phù hợp với những ai đang thất tình.
Trong entry này tôi sẽ nêu lên hai ý quan trọng:
- Người thắng là người có tất cả
- Cho dù thế nào thì kết quả mới là thứ quan trọng.
Chắc hẳn bạn là nghe câu “Thắng làm vua, Thua làm giặc”. Thắng vừa có tiếng mà lại vừa có miếng. Và cái gì quyết định ranh giới giữa thắng và thua? Trong chiến tranh đôi khi đó chỉ là một cá nhân đơn lẻ, có thể là một sự kiện nhỏ nào đó. Nếu không phải là Tướng Giáp thì cuộc chiến tranh Việt Nam có thể dài hơn hoặc cũng có thể là ngắn hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả sự tồn tại của bạn. Các cuộc chiến tranh thế giới hay vụ thanh tra ở Bộ Thương Mại đều bắt nguồn những từ một sự kiện nhỏ (tất nhiên đôi khi nó chỉ là cái cớ).
Trong các cuộc tranh cử tổng thống như ở Mỹ hay Pháp, người ta còn moi móc ra những sự kiện từ xưa xửa là xưa ra để hạ thấp nhau. Ví như vụ của ông Trump với một cô nào đó bị quy kết là đối xử phân biệt với phụ nữ. Ứng cử viên tổng thống Pháp tuần trước còn đang chắc 100% thì tuần này đã bị khui ra việc trả lương cho vợ làm trợ lý khống, tan tành giấc mơ tổng thống.
Cá nhân ta cũng vậy, quyết định giữa thắng và thua của chúng ta cũng chỉ từ một yếu tố nhất định nào đó. Yếu tố đó có thể là quan trọng với công việc này nhưng không quan trọng với công việc khác, có thể quan trọng với tổ chức này nhưng lại không quan trọng với tổ chức khác. Nhiệm vụ của ta là căng mắt ra mà phát hiện và tận dụng những cơ hội cho dù đó là nhỏ nhất.
Một nguyên lý mà tôi đã nhắc tới trong các entry về Hoàn thiện bản thân đó là người ta chỉ nhớ tới người về nhất. Trong thể thao bắn súng, tôi và bạn chỉ biết tới Hoàng Xuân Vinh, cũng chỉ biết tới video Hoàng Xuân Vinh bắn phát cuối cùng. Bạn có nhớ tới ai đó cùng đoàn với Hoàng Xuân Vinh không? hoặc bạn có nhớ tới một đoạn bắn súng nào khác không?
Bạn có nhớ ai lên mặt trăng cùng Amstrong? Những phụ tá cùng Bill Gates thành lập lên đế chế Microsoft? Trong toàn bộ sự thành đạt của Steve Jobs, bạn có nhớ tới một cái tên nào khác không? Trong cả quãng đời của bạn đã trải qua, có phải bạn nhớ toàn bộ các sự kiện hay chỉ nhớ tới một số sự kiện nhất định nào đó? Con người của bạn được kể bởi những sự kiện rời rạc mà không mang tính liên tục vì bạn chẳng thể nhớ hết được.
Edison sáng chế ra bóng đèn, Adam Smith viết “Của cải các quốc gia”, Tổng thống Mỹ là Donald Trump,…..
Người ta chỉ nhớ tới người thứ nhất, người thứ hai về sau không ai còn nhớ nữa. Ta chỉ nhớ các sự kiện ấn tượng, các sự kiện lặp đi lặp lại hàng ngày ta không nhớ được, không thể nhớ được là buổi sáng cách đây 1 tuần mình ăn gì vì sáng nào chẳng ăn.
Và người thứ nhất cũng là hưởng lợi nhất.
Nếu bạn định quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó thì chắc chắn bạn phải chọn người mà nhiều người biết tới nhất. Quảng cáo cafe thì cố mà mời Hoàng Xuân Vinh với khẩu hiệu “Cafe giúp bạn tập trung đạt mục tiêu”, nếu thuê một ông bắn súng nào đó, kể cả ông ý có giỏi thứ hai sau Hoàng Xuân Vinh thì cũng vô dụng. Vì vậy có những người chỉ cần nổi tiếng (không cần biết nối tiếng nhờ tích cực hay tiêu cực) là có thể dùng nó để kiếm tiền quảng cáo.
Nếu bạn định mở một khóa học về khởi nghiệp thì mời Trương Gia Bình chắc ok hơn một cái tên nào đó không ai biết. Định mở một quán ăn nhanh theo mô hình Nhượng quyền thì chắc cũng phải chọn một thương hiệu mạnh, tốt nhất là mạnh nhất. Nếu bạn ham thích cầu lông thì chắc cũng phải chọn thương hiệu tốt nhất (ví như Yonex, hình như thế :P). Nếu định mua điện thoại xịn thì chắc phải là Iphone 7. Tất nhiên rồi, cái nhất luôn kèm theo giá để có được nó cũng là đắt nhất.
Sếp sẽ giao cơ hội cho những người mà anh ta cho rằng là giỏi nhất nhằm tăng cơ hội thành công của một dự án. Khách hàng sẽ giao cho người bán hàng, công ty giỏi nhất để lợi nhất.
Tóm lại không cần biết khoảng cách giữa thằng nhất và thằng nhì bao nhiêu, thắng nhất là thằng có tất cả.
Điều này dẫn ta tới một kết luận: Thu nhập không phải là một đường thẳng tuyến tính, giữa người nhất và người nhì không phải tỷ lệ theo vị trí anh ta đang đứng mà đó là sự đột biến. Nếu bạn ngủ yên ở vị trí giữa và nghĩ rằng thằng giỏi hơn mình cũng chỉ nhận được từng thế là bạn đã sai lầm. Quan hệ giữa thu nhập và năng lực là quan hệ phi tuyến mà càng giỏi lên thì hệ số sẽ càng cao hơn.
Ngay cả việc tích lũy tiền bạc, chúng ta cũng hay nghĩ đơn thuần theo kiểu tuyến tính. Mỗi tháng tiết kiệm 1 tr, 12 tháng thì có 12 triệu, 10 năm thì có 120 triệu. Ý nghĩ kéo theo việc bạn chẳng muốn tiết kiệm cũng giống như bạn chẳng muốn cố gắng gia tăng năng lực. Hầu hết mọi thứ tăng trưởng hay lụi tàn đều theo quy luật phi tuyến.
Nếu là một nhân viên bình thường hãy cố gắng là thằng giỏi nhất trong nhóm.
Nếu đã là người giỏi nhất trong nhóm hãy là người giỏi nhất trong phòng.
Nếu đã là người giỏi nhất trong phòng thì hãy là người giỏi nhất trong công ty.
Nếu đã là người giỏi nhất trong công ty hãy là người giỏi nhất trong nghề nghiệp đó.
Túm lại hãy là nhất bằng chính thực lực của mình. Hãy nhất về một cái gì đó mà cái đó có khả năng mang lại giá trị cho người khác. Những người muốn nhận giá trị đó sẽ chọn bạn.
Ví dụ:
- Một người sửa điều hòa giỏi sẽ ngày càng nhiều khách hàng hơn.
- Một người giải quyết vấn đề giỏi trong một ngành nghề sẽ ngày càng được cất nhắc cao hơn (nơi anh ta sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn)
- …
Trong một thế giới mà thông tin lan truyền theo kiểu người này giới thiệu cho người kia như hiện nay thì miễn bạn giỏi nhất (trong một phạm vi địa lý hoặc không tùy thuộc vào ngành nghề) thì sẽ có người tìm tới bạn.
Cho dù thế nào thì kết quả mới là quan trọng
Ta hay nghe câu “Kết quả không thể biện minh cho tiến trình” hoặc ngược lại “Tiến trình không thể biện minh cho kết quả”. Túm lại thế cái nào đúng cái nào sai? Câu trả lời là còn tùy thuộc vào đó là cái gì. Đọc thêm bài Chủ nghĩa vị lợi.
Trong bài hát “The winner takes it all”, nhân vật chính của chúng ta là người thua cuộc. Cho dù cô ý có biện minh về những gì mình đã làm, đã cố gắng, đã nỗ lực thì rốt cục cô vẫn là người thua cuộc.
Cho dù anh đánh cờ hay thế nào trong ván cờ nhưng cuối cùng anh thua thì anh vẫn cứ là thua. Trong cuộc sống hay công việc nếu ta để ý quá nhiều cái lợi trước mắt, những vật cản nhỏ giữa đường, những nước cờ cũ mà ta đã đi thì ta dễ bị cuốn vào nó. Cũng giống như việc đánh cờ, đôi lúc bạn phải biết hi sinh những quân cờ để có thể thắng cả ván cờ. Người ta không quan tâm bạn đánh như thế nào, người ta chỉ hỏi bạn thắng hay thua. Cuộc đời là một ván cờ, công việc là một ván cờ, hạnh phúc của bạn cũng là một ván cờ.
Cùng để lên đỉnh Everest, mỗi người sẽ làm các cách khác nhau với các công sức phải bỏ ra khác nhau. Đối với chúng ta đó có thể là một việc quá sức hoặc hi sinh nhiều thứ để đạt được. Đối với những người khác thì đó cũng giống như một cuộc dạo chơi. Tương tự, việc nào cũng thế, đối với mỗi người khác nhau thì sự cố gắng bỏ ra cũng khác nhau.
Khi chúng ta phải rất nỗ lực để hoàn thành một việc nào đó chúng ta thường thổi phồng cái thành quả đó lên. Chúng ta nghĩ rằng chỉ có mình mới làm được, rằng mình phải thức khuya dậy sớm, phải hi sinh gia đình bạn bè, phải tự bỏ ra nhiều tiền. Thực tế khi đánh giá giá trị của một cái gì đó người ta dựa vào kết quả cuối cùng chứ không phải phụ thuộc vào tiến trình làm ra nó. Đồ thủ công có thể đắt vì nó được người ta làm bằng tay, nhưng nếu nó không tốt, không đẹp hơn so với hàng sản xuất dây chuyền thì giá của nó cũng không thể cao hơn được.
Cái chúng ta làm ra phải là nhất thì chúng ta mới nên tự hào. Nếu cái ta làm ra người khác cũng làm được, thậm chí còn tốt hơn thì lẳng lặng mà nghiên cứu làm sao tốt hơn họ.
Cứ thử hỏi cái đứa học giỏi nhất trong lớp. Tỷ lệ thứ bậc giữa nó và bạn không hề đồng nhất với tỷ lệ của chi phí bỏ ra. Nó không bỏ ra thời gian học nhiều hơn bạn, nó học có vẻ thoải mái còn hơn bạn. Tố chất đúng là cũng ảnh hưởng không nhỏ nhưng phương pháp mới là cái quan trọng. Đứa đi học thêm tối ngày chưa chắc đã học giỏi hơn đứa không đi học thêm. Đứa học giỏi nhất lớp chưa chắc sau này đã thành công nhất.
Tóm lại:
- Nhất là có tất cả.
- Muốn thành công bạn phải là Nhất (về một lĩnh vực nào đó có khả năng mang lại giá trị cho người khác)
- Muốn là Nhất thì bạn phải tích tụ năng lực. (Hướng tới một mục tiêu xa, nơi bạn sẽ nhất về một cái gì đó)
- Muốn tích tụ năng lực thì phải từng bước (mỗi ngày một chút)
- Tích tụ năng lực cũng giống như tích tụ tiền. Lúc đầu sẽ khó, sau rồi sẽ dễ dần, tới một lúc thì nó diễn ra một cách tự nhiên mà không đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Tương tự như quay một cái bánh đà hay đẩy một cái ô tô, lúc đầu sẽ nặng, lúc sau có đà sẽ nhẹ dần.
- Nếu như cái bạn đang làm quyết định tới sự thành công của bạn nhưng đó lại không phải là cái bạn có khả năng làm giỏi nhất thì phải xem xét lại một chút. Dù sao thì khỉ và cá không thể thi bơi hay thi leo cây cùng nhau được.
Bình luận (0)