Tư duy logic - Phần 7 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-07-01 1.4k Lượt xem 50 Lượt thích 0 Bình luận
Những rào cản của tư duy logic
Trong quá trình tư duy ta sẽ gặp những rào cản lớn khiến ta khó lòng vượt qua cho dù có đầy đủ các kỹ thuật và kiến thức cần thiết. Vì vậy bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng thì ta cũng phải nhận biết được những rào cản trên đường tìm ra chân lý.
1. Cảm xúc – kẻ thù lớn nhất
Khi bạn yêu ai đó bạn có thể chỉ bằng suy nghĩ biến một thứ tiêu cực thành tích cực. Khi bạn ghét ai đó thì họ nói có lý bạn cũng cho là vô lý. Khi bạn có niềm tin với ai đó bạn sẽ có xu hướng tin tưởng lời nói của họ mà chưa phân tích cụ thể.
Cảm xúc xuất hiện thông qua ý nghĩ. Chỉ bằng ý nghĩ bạn có thể khiến mình trở nên vui vẻ hoặc buồn bã. Trong quá trình suy luận logic các ý nghĩ sinh ra sẽ làm thay đổi cảm xúc của ta.
Nhưng nếu nói mà không có cảm xúc thì cũng không ổn. Ta phải hòa trộn cảm xúc vào lời nói nhưng phải quản lý được cảm xúc của mình không được để cảm xúc dẫn lối.
2. Người bảo thủ
Bảo thủ là hành động bảo vệ quan điểm của mình mà không chịu mở lòng ra để xem xét các ý kiến khác nhằm tìm tới chân lý đúng. Bảo thủ khác với kiên định, quyết đoán ở chỗ là người quyết đoán không cố gắng bảo vệ ý kiến của mình bằng mọi giá, họ sẵn sàng thay đổi nếu như họ thấy rằng họ sai nhưng họ không mất nhiều thời gian ra quyết định.
Người bảo thủ không hề nghe các ý kiến khác vì vậy đương nhiên họ sẽ không bao giờ tiến được tới chân lý.
Ví dụ nếu một người đóng đinh trong đầu là cái con đáng nhẽ là mèo kia là một con chó thì cho dù mọi người phân tích, giải thích thế nào thì họ cũng không chấp nhận rằng con mèo đó là con mèo.
Đôi khi người bảo thủ biết mình sai nhưng họ vẫn cứ hành xử như là họ đúng vì lòng tự trọng của họ quá cao.
3. Người ngây thơ, lạc quan thái quá
Ngây thơ là hành động ủng hộ ý kiến ngay cả khi chưa xem xét tới ý kiến đó. Một người bảo rằng con đáng nhẽ là con mèo kia là một con chó, người ngây thơ tin ngay mà không cần xem xét ý kiến.
Trường hợp này ngược lại với trường hợp bảo thủ, cả hai chỉ giống nhau ở điểm là đều không xem xét ý kiến trước khi ra quyết định
4. Người tiêu cực
Người tiêu cực luôn nhìn mắt trái của vấn đề trong đó có việc là không bao giờ ta có thể tìm được giải pháp cho một vấn đề nào đó. Nếu như ai đó nêu ra giải pháp, anh ta sẽ tìm ra lý lẽ để chứng minh rằng giải pháp đó là sai và chắc chắn là chúng ta không có giải pháp nào cả.
Người tiêu cực có hai loại :
1. Loại cho rằng không có giải pháp cho mọi vấn đề. Có nghĩa là không bao giờ ta có thể tìm được chân lý. Loại này như đã mô tả ở trên.
2. Loại cho rằng đúng là có giải pháp cho mọi vấn đề nhưng ta sẽ không bao giờ có đủ năng lực để tìm ra. Loại này luôn có câu cửa miệng là “ta không thể làm được đâu”. Loại này chỉ ưu điểm hơn loại thứ nhất ở điểm là đồng ý có chân lý nhưng kết quả là giống nhau. Ta không thể tìm ra chân lý khi mà ta luôn mặc định rằng ta không thể tìm được.
5. Người hoài nghi
Người hoài nghi là người mà khi bạn khẳng định A là A họ sẽ bảo bạn A là B; còn nếu bạn bảo A là B thì họ sẽ nói A là A. Người hoài nghi nghi ngờ mọi lập luận là sai và họ tìm mọi lý lẽ để phản bác lại lập luận đó.
Nhưng chúng ta không thể không hoài nghi vì nếu đứng trước một vấn đề ta không có tâm lý nghi ngờ thì ta sẽ trở thành người ngây thơ. Nhưng hoài nghi phải đủ độ, một sự hoài nghi mang tính tích cực.
6. Tầm nhìn thấp
Tầm nhìn bao gồm Tầm nhìn không gian và Tầm nhìn thời gian. Giống như việc bạn càng leo lên núi cao thì bạn càng nhìn rộng hơn. Bạn nhìn vấn đề với tầm nhìn càng hẹp thì bạn càng dễ mắc sai lầm.
Làm sao để cải thiện tầm nhìn?
Thứ nhất bạn phải mở lòng mình, lắng nghe mọi ý kiến. Dần dần bạn sẽ có nhiều góc nhìn của một vấn đề.
Thứ hai bạn phải luôn hiểu rằng mọi sự vật hiện tượng đều có sự liên quan tới nhau trong một tổng thể hài hòa. Cái vấn đề ta đang quan tâm cũng phải nằm trong một tổng thể nào đó, nó không thể đứng riêng biệt được cũng như mọi kết quả đều phải có nguyên nhân vậy. Nếu ta không công nhận điều này thì ta sẽ bị bó hẹp trong vấn đề đó mà thôi.
Thứ ba bạn phải đọc nhiều lĩnh vực, nghiên cứu những thứ vĩ mô.
7. Người cầu toàn
Cầu toàn là việc cố gắng tìm được chân lý rồi mới quyết định. Điều này chẳng có gì sai nhưng vấn đề là có những thứ không nhất thiết phải đi tới tận cùng chân lý hoặc những thứ không cho chúng ta nhiều thời gian để quyết định.
Người cầu toàn sẽ tiến hành công việc rất chậm và kém hiệu quả.
8. Người hiếu thắng
Người hiếu thắng suy nghĩ rằng vấn đề đi đến đâu không quan trọng, quan trọng là ta phải thắng. Nếu bạn tranh luận với người hiếu thắng thì đứng đưa ra lý lẽ, dẫn chứng làm gì cho mất công vì bạn càng chứng minh rằng họ sai thì họ càng quá khích.
Đối với trường hợp này bạn phải chấp nhận rằng họ đúng ở một số điểm nào đó để họ dịu lại sau khi họ thấy bạn chấp nhận thua họ sẽ dễ cho bạn thắng ở một điểm nào đó.
Người hiếu thắng sẽ phá vỡ kết quả của mọi cuộc tranh luận vì kết thúc hoặc là họ phải thắng hoặc là chẳng ai thắng.
9. Thiếu niềm tin vào chính ý kiến cần bảo vệ
Chắc chắn đã có lúc bạn từng nghi ngờ chính cái ý kiến mà bạn đang cố gắng bảo vệ nó trước sự nghi ngờ của người khác. Sự thiếu tin tưởng sẽ thể hiện trong lời nói và hành động.
Như vậy nếu bạn muốn thuyết phục người khác mua món hàng A thì bản thân bạn đã phải rất thích A và sẵn sàng mua A để sử dụng nếu có điều kiện.
Nếu bạn không yêu cô ta và nói rằng bạn yêu cô ta thì bạn đang lừa dối chính mình và không khó để một người ở trạng thái tỉnh táo đối diện có thể nhận ra.
Điều này tương tự như thiếu tự tin. Thiếu tự tin là trạng thái tin tưởng vào ý kiến của mình nhưng lại cho rằng có thể có những ý kiến khác tốt hơn mà người khác có thể nghĩ ra vì vậy lời nói ngập ngừng, ý kiến không mạch lạc, hành động rón rén.
10. Hành động theo bản năng
Trong cuộc sống, có những hành động diễn ra quá nhanh mà bạn không kịp suy nghĩ. Những phản xạ không điều kiện, có điều kiện, thói quen,….sẽ hành động mà bạn không cần nghĩ.
Ta không nên hành động theo bản năng vì thực tế ta hoàn toàn có thể có thời gian suy nghĩ. Bạn không cần thiết phải cãi lại người đối diện ngay lập tức, không cần trả lời ngay lập tức, không cần phải ném cục gạch vào đầu họ ngay lập tức, không cần phải quyết định một vấn đề ngay lập tức… Bạn phải dành thời gian cho suy nghĩ, nếu không có suy nghĩ làm sao có được sự logic.
Bình luận (0)