5 nguyên tắc sống đơn giản - P4 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-08-27 1.2k Lượt xem 81 Lượt thích 0 Bình luận
Chủ nghĩa tối giản
Nghĩ tới chủ nghĩa tối giản, ta hay nghĩ ngay tới một căn nhà với rất ít đồ đạc trong đó. Người theo chủ nghĩa tối giản giữ cho mình một lượng tối thiểu đồ đạc bằng cách mua ít đi và vứt nhiều hơn. Tôi thì tôi thích một nghĩa rộng cho cụm từ “Chủ nghĩa tối giản” hơn vì vậy entry này bao quát hơn nhiều so với khái niệm mà mọi người đang hiểu về Chủ nghĩa tối giản (minimalism ).
Chúng ta nghiệm ra mấy quy luật sau:
Nếu phòng bạn đang ở to hơn thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều đồ đạc hơn. Vẫn từng đó người sống thôi nhưng chắc chắn đồ đạc nhiều hơn. Phòng càng to càng nhiều đồ đạc.
Nếu bạn giỏi hơn thì sẽ ngày càng nhiều việc hơn. Đúng là bạn sẽ giải quyết một công việc cũ nhanh hơn nhưng bạn sẽ có nhiều việc hơn. Và nếu trước hay stress thì nay vẫn hay stress.
Nếu thu nhập của bạn tăng gấp đôi thì chi tiêu của bạn cũng tăng gần gấp đôi, thậm chí còn hơn.
Nếu bạn có thêm thời gian (ví dụ như học xong một khóa học buổi tối, làm xong một dự án lớn,…) thì bạn sẽ chỉ chống chếnh một lúc, sau đó bạn sẽ nhanh chóng lấp đầy nó bởi một việc nào đó.
Nếu như ta vận động theo lẽ thường thì ta sẽ nhận được kết quả giống như số đông. Hồi xưa bầy đàn theo đám đông thì cơ hội sống cao hơn, giống như bầy cá, bầy trâu, bầy chim,…Nhưng ngày nay mà đi theo số đông thì chắc chắn tới 99% là dẫn tới kết cục tầm thường. Không thảm hại nhưng tầm thường.
Chủ nghĩa tối giản có thể tóm tắt bằng một mệnh đề dễ hiểu hơn “Ít hơn nhưng hiệu quả hơn“.
1. Có một cái tốt còn hơn có 100 cái gần tốt
Làm thằng đàn ông, thằng nào chẳng thích sưu tập mấy cái dụng cụ kiểu như tô vít, kìm, máy khoan,….Chẳng biết từ hồi nào, cứ đi siêu thì là săm soi mấy cái đấy, hôm thì vác về một cái kìm, khi thì vác về một cái tô vít. Kết quả là ở nhà cứ mỗi loại thì có vài cái, ví như tô vít hai cạnh của cùng một cỡ thì có một cái đa năng và 2 cái của hai hãng khác nhau. Cùng là mục đích cắt thì có kìm cắt, kìm đa năng cỡ to và nhỏ,….
Lúc dùng mới thấy cuối cùng cũng chỉ là chọn cái tốt nhất để dùng. Thậm chí nhiều lúc còn chẳng tìm được cái dụng cụ nào dùng được trong một đống những thứ hầm bà nhằng. Nếu được làm lại tôi sẽ chọn cái kìm to nhất có khả năng cắt, cái tô vít đa năng tốt nhất,…Nhờ vậy tôi chẳng phải mất thời gian lựa chọn mà lại được dùng ngay cái tốt nhất.
Chị em cũng vậy, chị em nào chẳng có một đống giầy dép các loại, quần áo các loại, rồi tới lúc cần đi đâu đó thì lại không tìm được cái nào mặc được, đi được. Tôi thề là rất nhiều chị em còn không biết mình đang sở hữu một bộ quần áo nào đó rất được vì nó bị dấu trong một đống các bộ quần áo. Nếu chị em chỉ cần có 2 bộ giầy xịn, 4 bộ quần áo xịn thì chẳng tốn công lựa chọn quần áo mà vẫn mặc đẹp như thường.
Rồi nói tới đồ đạc trong nhà. Có người lười đi lại, mua một cái máy giặt để tầng 1, một cái để tầng 4. Hoặc hồi xưa đã có một cái máy giặt, nay mua thêm một cái, không lỡ vứt đi cái cũ nên dùng song song cả hai. Tủ thì mỗi phòng một cái, cái nào cũng hoành tráng. Bộ dàn nghe nhạc thì phòng khách một cái, phòng ngủ một cái, cả nhà vệ sinh cũng có một cái.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mắc một lỗi lầm đó là khi mua môt món đồ mới, không nỡ vứt món đồ cũ đi vì vậy nhét vào đâu đó. Một vài năm sau lôi ra vứt cái đó đi vì giờ nó đã hỏng, rách, không ai dùng tới nữa. Lúc đó lương tâm cảm thấy an tịnh vì mình đã vứt đi một vật vô dụng
Nói thì bảo nói dài chứ nhìn đâu cũng thấy ví dụ cho tình huống kiểu như vậy. Mỗi người lăm lăm hai cái điện thoại cùng với một cái Ipad, hai cái laptop, hai cái xe máy, hai cái ô tô, vài cô người yêu….
Tóm lại thế này:
- Bạn hãy cố gắng chỉ sở hữu cái thực sự cần thiết. Mạnh dạn cho đi, vứt bỏ những cái không cần thiết.
- Cần thiết có nghĩa là không có không được, dùng thường xuyên liên tục, không thể thuê ngoài hoặc thuê được nhưng với giá đắt hơn là sở hữu.
- Mua cái gì thì hãy mua cái tốt nhất, thực sự ưng ý, cần dùng ngay. Còn lăn tăn, hoặc mua với ý nghĩa rằng biết đâu lúc nào đó trong tương lai mình sẽ dùng tới thì đừng mua. Lúc nào có nhu cầu hẵng mua. Kiếm tiền mới khó chứ mua thì lúc nào mua chẳng được.
2. Làm ít đi nhưng chất hơn
Khi bạn càng giỏi thì số việc bạn có thể làm sẽ tăng lên.
Ví dụ như cái ông có bằng lái xe 7 chỗ trở xuống thì không thể lái xe trở khách 40 chỗ nên có muốn ông cũng chẳng lái được, lái người ta phạt chết. Nhưng cái ông có bằng lái xe khách 40 chỗ thì có thể lái được xe 4 chỗ, 7 chỗ,…Số lựa chọn của ông bằng lái 40 chỗ nhiều hơn so với số lựa chọn của ông có bằng lái 7 chỗ.
Người nâng được quả tạ 100 kg đương nhiên sẽ nâng được quả tạ 50 kg. Người chạy được 100km đương nhiên sẽ chạy được 42 km, ….
Nếu số việc bạn có thể làm tăng lên thì thường việc sẽ đến với bạn tương ứng. Họ hàng thấy bạn có cái xe ô tô, thỉnh thoảng lại nhờ lái đi chỗ này chỗ khác. Bạn của bạn biết bạn là lực sỹ cử tạ nên thỉnh thoảng nhờ sang sắp xếp lại cái két sắt cho đẹp hơn. Bố vợ biết bạn nấu ăn ngon nên cứ có bữa là phải sống chết mời ông con rể sang trổ tài. Người yêu biết bạn sửa máy tính giỏi nên cô bạn nào trục trặc máy tính thì cứ yên tâm, đã có bạn. Sếp biết bạn có quan hệ với mấy anh công an nên cứ bị công an hỏi là điện cho bạn tới giải quyết.
Nếu việc đến với mình nhiều lên mà mình không biết nói lời từ chối thì kết cục là stress nặng, biết thế cứ ngu như cũ còn hơn.
Giải pháp ở đây là khả năng tăng lên phải kết hợp cùng với khả năng chọn việc để làm. Không phải nói phét chứ cứ liệt kê 100 việc bạn làm hôm nay thì chắc chắn quá nửa là việc lặt vặt có thể không làm, ủy thác. Cứ 10 cái đề nghị thì 9 cái có thể từ chối mà vẫn giữ được mối quan hệ với người đó. Cha ông ta chẳng đã bảo được lòng trước mất lòng sau còn gì. Thà mất lòng ngay từ đầu còn hơn là nhận mà làm không đến nơi đến trốn.
Cái ông có bằng lái 40 chỗ sẽ không dại lái xe 4 chỗ, ông ý thường xuyên chọn lái 40 chỗ vì lúc đó khả năng của ông được tận dụng tối đa để có thu nhập cao hơn. Một người có khả năng nâng quả tạ 100 kg không mất công tới phòng gym chỉ để nâng quả tạ 5kg. Một người chạy 42km không mất công tham gia giải chạy với cự ly 5km. Ông Phạm Nhật Vượng không dại gì dành cả buổi tối để lau sàn nhà cho bóng.
Túm lại hồi ăn lông ở lỗ, tới bữa hái trái cây ăn là xong, tới lúc ngủ thì kiếm chỗ dựa lưng là ngủ. Giờ hiện đại rồi tưởng sướng hơn, thực ra là khổ hơn, lúc nào cũng lo ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà rộng thoáng mát, sợ người này người kia phật ý. Phải biết nói lời từ chối để còn có sức tập trung vào một số thứ nhất định, làm sao đó tận dụng tối đa năng lực bản thân để cho hiệu quả nhất. Hướng về chất thay vì lượng.
3. Quy trình hóa những thứ có thể quy trình hóa
Tuổi già lú lẫn, có dạo lần nào đi làm cũng phải khóa cửa rồi lại mở khóa 2 lần chỉ để xem lại chắc chắn rằng đèn đã tắt hết chưa. Thậm chí đi vài trăm mét rồi quay lại kiểm tra xem cửa đã khóa chưa. Rồi hôm thì quên điện thoại phải quay lại nhà lấy, hôm thì quên khóa xe, hôm thì quên ví,..Túm lại riêng cái việc nghĩ ngợi và hành động cho việc này cũng tốn khá nhiều công sức và thời gian.
Rồi thì mình học tập cái sự ngăn lắp. Chỗ chỉ chuyên để điện thoại, chỗ chuyên để khóa xe, trước khi ra tới cửa đứng nghĩ vài giây kiểm lại đồ đạc, sau đó đá vào cái cửa một cái :). Thế là từ đó chẳng còn phải nghĩ tới việc đó nữa và cũng chẳng bao giờ quên, đơn giản chỉ cần nhớ tới cái sự kiện đá chân vào cửa là biết rằng mình đã không quên gì rồi.
Sau đó là cái vụ đi bơi. Cách đây 2 năm máu bơi lắm, trưa nào người ta nghỉ trưa thì mình đi bơi trưa. Vì thời gian có hạn nên các thao tác như gửi xe, thay quần áo, tắm tráng,….được tính toán chi li tới từng giây, chẳng thừa động tác nào, giống như cái máy.
Rồi dần dần, bất cứ việc nào cũng nghĩ làm sao để nhanh hơn, chất hơn. Riêng cái vụ mua sắm theo trào lưu như máy tính, điện thoại, máy ảnh là không còn dính dáng tới nữa. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn chưa phải là người theo chủ nghĩa tối giản thực sự. Sau entry này xin hứa là sẽ nghiêm túc theo đuổi chủ nghĩa tối giản.
Mục này bạn chỉ cần nhớ là hầu hết những việc chúng ta làm hàng ngày lặp đi lặp lại. Bạn hãy tối ưu nó sau đó quy trình nó thành từng bước. Lần tiếp theo bạn sẽ ít phải nghĩ tới là làm gì nữa, để đầu mà nghĩ việc khác.
4. Đến chọn bạn cũng phải tính
Học cách nào là nhanh nhất? Tìm cái thằng mà nó rất thích cái lĩnh vực đó, hỏi nó, một buổi nghe nó nói bằng một tuần đọc sách. Chẳng cần nó giỏi nhất, chỉ cần nó thích thì nó sẽ nói cho bạn ối thứ từ tâm can nó mà nó phải đọc trăm cuốn sách, nghìn bài báo và hàng ngàn đêm mất ngủ mới tích lũy được.
Nếu bạn gặp cái đứa giống bạn, hiểu biết như bạn thì câu chuyện chắc chắn sẽ là chuyện phiếm, chẳng học hỏi được cái gì. Nhưng cái đứa bạn gặp làm ở một ngành khác, hiểu biết hơn bạn, sống trong môi trường khác bạn, hoàn cảnh gia đình khác bạn,,, túm lại càng nhiều khác biệt thì câu chuyện sẽ càng đáng đồng tiền bát gạo. Vấn đề chỉ là bạn biết mình muốn biết gì để thực sự quan tâm tới câu chuyến khiến cho cái thằng kia nó đừng chưng hửng. Mấy ông bạn nhậu tối nào cũng gặp nhau thì làm sao mà có gì mới để nói với nhau được. Quanh quẩn cũng toàn chuyện cướp của giết người, Vietlott, thời tiết, tửu lượng,…Thế nên đôi khi muốn cuộc sống thay đổi thì cứ thay đổi môi trường sống bằng cách chuyển nhà, chuyển sang công ty khác, chuyển câu lạc bộ. Tất cả đều có thể thay đổi, trừ gia đình. Gặp bạn mới, người mới sẽ khiến đời thay đổi (tốt hay xấu thì không biết)
Vậy nhiều bạn chẳng bằng ít bạn nhưng tinh.
5. Bạn là sự tối giản
Một kiếm khách giỏi thì phải hòa nhập vào kiếm, người là kiếm mà kiếm cũng là người, kiếm như một bộ phận của thân thể. Có như vậy khi xử kiếm mới như mây trôi nước chảy, sóng sau xô sóng trước liên miên bất tuyệt. (mượn tí truyện kiếm hiệp).
Nếu chúng ta cố gắng theo các lý thuyết tối giản, thực hiện những điều của chủ nghĩa tối giản yêu cầu thì cũng giống như bạn đang cố gắng điều khiển một thanh kiếm, thanh kiếm là một vật vô tri bên ngoài cơ thể. Bạn sẽ cho đi nhưng rồi lại lấp đầy nó nhanh chóng, bạn sẽ căng thẳng mỗi khi nghĩ phương pháp tối giản là gì và cố gắng làm theo. Muốn vậy, bản thân bạn đã là sự tối giản.
Tối giản lúc này in vào máu rồi, bạn sẽ không phải cố gắng nữa. Giống như việc bạn đã có thói quen dậy 5 giờ sáng trong 1 năm qua thì việc ngày mai dậy đúng 5 giờ cũng chỉ là chuyện của hàng ngày.
Steve Jobs là đặc trưng của một người theo chủ nghĩa tối giản. Ông mặc cùng một kiểu mẫu quần áo trong rất nhiều năm, trong mọi tình huống. Do vậy, cùng lắm ông chỉ cần 5 bộ như vậy trong tủ quần áo. Tuy nhiên ông lại rất khắt khe và cầu toàn, ngay như 3 cái nút bấm bên phải của cửa sổ, ta nhìn hệ điều hành của Mac và nhìn của Windows khác hẳn nhau. Nhớ mang máng là riêng mấy cái nút đó thôi mà mấy ông đồ họa phải làm vài tháng, làm đi làm lại cho tới khi Steve Jobs đồng ý.
Một người không theo chủ nghĩa tối giản bị phân tâm bởi rất nhiều thứ lặt vặt kiểu như ăn gì trưa nay, mặc gì hôm nay, đi bằng gì đó, showbiz hôm nay có gì mới, thời tiết hôm nay thế nào, tình hình nóng lên của trái đất, Trump sáng nay ăn mấy bát cơm,…
Theo chủ nghĩa tối giản bạn sẽ nhận nhiều giá trị hơn và làm chủ thời gian tốt hơn.
Tháng 9/2017 tới tôi sẽ tham gia cự ly 42 km giải chạy Vietnam Mountain Marathon ở Sapa. Chẳng phải là chạy giỏi gì đâu, chạy 7km đã rụng cả gối ra rồi. Chẳng qua đặt mục tiêu to tát để có hứng phấn đấu, cho dù không chạy được thì sức khỏe cũng sẽ tiến bộ hơn.
Chạy dài thì phải tính toán lựa chọn mang cái gì đáng mang chứ không thể vác cả bao tải sau lưng được. Việc lựa chọn mặc cái gì, đi cái gì, uống cái gì, ăn cái gì phải tính toán từng li từng tí; thêm một lạng mang bên người cũng là cả một vấn đề. Điều này cũng giống như chủ nghĩa tối giản hướng tới, hành trang bạn mang đi trên đường đời càng nặng thì bạn sẽ càng vất vả mệt mỏi.
Trên đường đời, sẽ thường xuyên có những trách nhiệm mới đặt lên vai. Bạn phải liên tục lựa chọn cái nào nên giữ, cái nào nên bỏ. Hãy là một người theo Chủ nghĩa tối giản bạn nhé.
Bình luận (0)