Quay lại
5 thái độ nào là quan trọng nhất ?

Từ trước tới nay các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên thái độ hơn so với 2 yếu tố còn lại. Vậy thái độ là cái gì và nó bao gồm gì mà quan trọng tới vậy? Entry này sẽ định nghĩa và liệt kê 5 thái độ quan trọng nhất dưới góc nhìn của tôi.

5 thái độ này áp dụng trong phạm vi công việc mà nếu sở hữu một hoặc tất cả bạn có cơ hội thành công hơn so với những người khác rất nhiều. Hầu hết trong số đó cũng đúng nếu áp dụng vào cuộc sống gia đình.

Thái độ (Attitude) là cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về thế giới quan bên ngoài. Chỉ nghĩ thôi nhé. Nó khác hẳn so với Kiến thức (Knowledge) và Kỹ năng (Skill).

Kỹ năng là trình độ bạn làm cái gì đó. Ví dụ kỹ năng sửa chữa máy tính, kỹ năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng lái xe, kỹ năng tán gái, kỹ năng nịnh vợ.

Kiến thức là thông tin bạn biết được về một cái gì đó. Ví dụ như kiến thức máy tính, kiến thức về ô tô, kiến thức về gia đình, kiến thức về phụ nữ (nghe nói có một cuốn sách dày 1 mét về chủ đề này), kiến thức về kinh tế, kiến thức về chính trị….

Để có kỹ năng bạn phải trải nghiệm thực tế; trải nghiệm nhiều + khả năng học hỏi sẽ gia tăng kỹ năng. Kiến thức bạn có được thông qua quan sát, lắng nghe, đọc, ngửi.. Muốn tán gái giỏi thì phải thử thật nhiều rồi sẽ thành chuyên gia, nếu chỉ đọc nghiên cứu lý thuyết thì chỉ có kiến thức mà không có kỹ năng thực tế dẫn tới khi cần làm thật thì không làm được. Các cuộc tập trận quân sự, diễn tập bạo động, diễn tập phòng cháy chữa cháy,… nhằm xây dựng kỹ năng cụ thể.

Đọc nhiều sẽ giúp ta có kiến thức (mà chưa thành kỹ năng). Nếu ta chỉ chuyên chú đọc ví dụ đọc một cuốn kỹ năng giao tiếp chẳng hạn mà không thực hành giao tiếp thì sẽ không có kỹ năng. Kiến thức đọc được đó vì không áp dụng sẽ nhanh chóng quên đi. Ngược lại nếu ta không đọc về kiến thức giao tiếp mà chỉ chăm chăm đi thực hành giao tiếp thì sẽ tiến rất chậm.

Những thứ thuộc về yếu tố thái độ ta thường nghe như tư duy tích cực, chủ động, ham học hỏi, dũng cảm, trung thực, kiên trì, nhiệt tình …

Thái độ quan trọng vì một hành động chỉ có thể được thực hiện khi trước đó người đó đã nghĩ sẽ làm nó. Chẳng có tình huống nào ta thấy tự nhiên cái đầu gối của mình đập đúng mặt vợ, phải có suy nghĩ trước đó rằng cần phải lên gối, suy nghĩ đó xuất phát từ sự tức giận, tức giận vì một sự kiện nào đó cộng với bản chất thái độ của ta. Cùng một sự kiện, ta thì lên gối còn thằng hàng xóm lại suýt xoa nịnh nọt.

Theo Sách Thói quen thứ 8 của Stephen R Covey, bất cứ một kết quả nào đều trải qua 2 lần sáng tạo. Ví dụ bạn là trai đang lớn, mết một em chân dài nào đó ở lớp học. Để có thể sánh đôi với nàng, bạn cần trải qua hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Sáng tạo lần 1

Bạn hình dung ra cảnh hai người lúc đã là của nhau. Hai bạn sẽ hạnh phúc ra sao, sẽ líu lo cả ngày cùng nhau như thế nào, cùng nhau chỉ lên mặt trăng thề non hẹn biển. Xa hơn nữa là cảnh lãng mạn về một gia đình với những đứa trẻ (với điều kiện là bạn hoàn toàn nghiêm túc về mối quan hệ này).

Viễn cảnh đó mới chỉ có ở trong đầu bạn thôi, thực tế bạn chưa có bất cứ hành động nào cả. Hoạt động này cực kỳ quan trọng vì nó tạo ra sản phẩm lần 1, đó là sáng tạo lần 1.

Giai đoạn 2: Sáng tạo lần 2

Tưởng tượng thế thôi, giờ phải tìm cách biến viễn cảnh đó thành hiện thực. Lúc này kỹ năng hoạch định được phát huy. Bạn sẽ quyết định mình sẽ làm quen nàng bằng cách nào, có những việc gì cần làm, có thời gian trong bao lâu, cần tìm trợ giúp ở đâu, khoản ngân sách cho chuyện này.

Chiến lược thực hiện như thế nào căn cứ vào yếu tố bên ngoài: môi trường nơi bạn có khả năng tiếp xúc với nàng, đối thủ cạnh tranh (nếu có) và yếu tố bên trong là đặc tính của nàng và bạn.

Tiếp theo tới kỹ năng tổ chức thực hiện. Hy vọng mọi thứ thực hiện được đúng theo kế hoạch, nếu không bạn sẽ phải cần tới kỹ năng quản lý rủi ro, quản lý sự thay đổi.

Thật may mắn cuối cùng bạn cũng thành công, đó là sáng tạo lần 2

Giữa sản phẩm của sáng tạo lần 1 và sản phẩm của sáng tạo lần 2 có thể sẽ rất khác nhau. Nàng có thể không ngọt ngào như bạn nghĩ, cũng không đẹp khi bạn đến gần, hoặc có nhiều mụn hơn bạn tưởng tượng, thậm chí còn …bị hôi nách nữa.

Sáng tạo lần 1 là sản phẩm của cái bạn muốn còn sáng tạo lần 2 là sản phẩm của thực tế. Nếu chỉ dừng ở sáng tạo lần 1 thì sẽ không thể có kết quả cuối cùng được.

Có một điều chắc chắn là không có sáng tạo lần 1 thì đừng mơ có sáng tạo lần 2. Trước khi xây nhà bạn đã hình dung trong đầu căn nhà sẽ như thế nào rồi. Trước khi mua ô tô, trong đầu bạn đã hình dung cái ô tô mình muốn sẽ như thế nào. Trước khi đi tới công ty bạn đã hình dung trong đầu mình sẽ đi bằng con đường nào. Các hoạt động theo thói quen hoặc hoàn toàn do cảm xúc có thể không có sáng tạo lần 1, ví dụ trước khi lên gối vào mặt vợ bạn có thể chẳng nghĩ gì cả, hành động bột phát do cảm xúc chi phối.

Những kỹ năng như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện,… hay kiến thức về phụ nữ rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng thái độ. Thái độ tham gia vào toàn bộ quá trình từ khi chưa bắt đầu tới khi kết thúc. Bạn cần có sự kiên trì tấn công không mệt mỏi, phải có độ trơ không biết xấu hổ, phải có sự lạc quan rằng hôm nay nàng từ chối ngày mai nàng sẽ đồng ý….

Ngoài ra phụ nữ rất nhậy cảm, nếu thái độ của bạn hoàn toàn nghiêm túc trong mối quan hệ này thì người đối diện có thể cảm nhận được sự chân thành từ đó có thể hành động của bạn rất ngờ nghệch nhưng không có vấn đề gì cả. Một người cố gắng tỏ ra chăm chỉ sẽ khác với một người bản chất đã là người chăm chỉ. Một người cố gắng tỏ ra dũng cảm sẽ khác với một người bản chất là dũng cảm. Vì vậy thái độ phải trở thành bản chất con người thì mới có giá trị lâu dài và bền vững.

Thái độ gắn liền với kỹ năng lãnh đạo, là đối tượng để lãnh đạo điều chỉnh.

Entry này giống như entry về 5 kỹ năng nào quan trọng nhất, cũng sẽ chỉ liệt kê 5 thái độ quan trọng nhất với góc nhìn của tác giả.

 

1. Nhiệt tình

Một người nhiệt tình thể hiện bằng việc họ sẵn sàng làm những việc mà người khác ngại làm. Con người quyết định dựa trên cân đối giữa lợi ích và chi phí; thấy lợi thì làm, thấy không lợi thì không làm. Một người nhiệt tình sẽ sẵn sàng làm một việc mà theo quan điểm của số đông cho rằng đó là lợi ích âm.

Có thể theo quan điểm của một người nhiệt tình thì việc đó có lợi ích dương đối với họ hoặc đơn giản họ bắt tay vào làm mà không mất thời gian vào tính toán thiệt hơn.

Trong một đội nhóm, những người nhiệt tình sẽ lấp đầy những việc phải làm mà đa số mọi người đều không muốn làm, họ thúc đẩy công việc chung của đội đi về phía trước. Một đội nhóm gồm những người nhiệt tình giống như một bộ máy được tra dầu tốt, sẽ hoạt động trơn tru. Ngược lại một đội nhóm số người nhiệt tình thấp hơn nhiều so với người không nhiệt tình thì hoạt động sẽ rất rệu rã.

Khi bạn còn trẻ cỡ tuổi 20 kiến thức trong đầu toàn lý thuyết sách vở, kỹ năng rất ít thì Nhiệt tình (cho dù là mù quáng) cũng sẽ giúp bạn đi về phía trước. Một người còn trẻ mà thiếu thái độ nhiệt tình trong khi 2 cái kia chưa có gì thì cơ hội thành công coi như đóng lại. Không những đóng trong công việc mà trong toàn bộ các lĩnh vực còn lại (Gia đình, cuộc sống cá nhân)

Khi cấp độ nhiệt tình vượt quá xa so với cấp độ của Kiến thức và kỹ năng thì lúc này đôi khi sẽ trở thành phá hoại. Vì vậy sẽ phải kìm hãm một chút sự nhiệt tình. Dành thời gian nhiều cho lập kế hoạch chi tiết trước khi bắt tay vào làm, đừng nghĩ cái làm ngay.

Người càng nhiệt tình thì số việc anh ta làm trong một thời gian càng nhiều vì vậy khả năng tích lũy kinh nghiệm từ đó biến thành kiến thức và kỹ năng của anh ta nhanh hơn. Kỹ năng, kiến thức càng phát triển bên cạnh vẫn duy trì sự nhiệt tình sẽ giúp giá trị anh ta tạo ra ngày càng nhiều hơn.

Nhiệt tình thường được gắn với giới trẻ vì khi già đi thì độ ì cũng tăng lên. Độ ì xuất phát từ sức khỏe không còn được như trước, nhiều ràng buộc hơn (vợ chồng, con cái, chức vụ), nhiều thứ sợ mất hơn (tiền bạc, sĩ diện), tính toán hơn ( giữa lợi và hại)

Làm thế nào để tăng cường và nuôi dưỡng sự nhiệt tình?

Giống như mọi yếu tố thái độ khác. Thái độ được hình thành lúc sinh ra, được nuôi dưỡng trong gia đình, trong lớp học, những năm đầu đời ra trường đời. Thái độ được hình thành trong một quá trình dài vì vậy người nào sẵn trong lòng sự nhiệt tình thì đơn giản chỉ cần nuôi dưỡng.

Sự nhiệt tình có thể bị giết chết bởi sự nhàm chán khi công việc lặp đi lặp lại. Lấy ví dụ như một anh công nhân đứng dây chuyền may. Việc anh ý nhiệt tình hay không nhiệt tình không ảnh hướng lắm tới năng suất vì các thao tác đã được tối ưu hóa tới mức không thể làm tốt hơn (chỉ có thể tệ hơn). Anh ta có thể thao tác thành thói quen trong trạng thái không có cảm xúc gì.

Một người sinh ra, lớn lên trong môi trường nuôi dưỡng sự nhiệt tình có thể trụ vững được nhưng một người học Nhiệt tình thì sẽ theo chu kỳ như thế này:

Một người nhân viên mới vào làm, đối với anh ta mọi thứ đều mới, đòi hỏi chất lượng công việc ở mức thấp. Khi công việc dầy lên, khó khăn chồng chất theo thời gian làm thì sự nhiệt tình ban đầu bị phôi pha dần. Giả sử anh ta nghỉ việc và sang môi trường làm việc mới, anh ta lại bắt đầu chu kỳ cho sự nhiệt tình của mình. Bạn có thể nhìn lại mình để biết sự nhiệt tình nằm trong bản chất của mình hay là đang rất cố gắng để tỏ ra nhiệt tình.

Có thể học để trở thành nhiệt tình được không? Câu trả lời tất nhiên là có mặc dù rất khó. Sự nhiệt tình được nuôi dưỡng bằng động lực. Động lực đó được bạn xây dựng, củng cố thường xuyên. Khi một thái độ lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen; bạn sẽ ngày càng ít phải cố gắng để tỏ ra nhiệt tình.

2. Lạc quan

Thái độ sống tích cực, tư duy tích cực,…. chung quy đó là sự lạc quan. Một người lạc quan thể hiện trạng thái bên ngoài là sự vui vẻ chiếm phần lớn, ít dành thời gian cho than vãn, luôn thấy mặt tốt của bất cứ vấn đề nào, luôn tin vào thành công vào một ngày nào đó.

Đối lập với lạc quan là bi quan. Người bi quan (tư duy tiêu cực) dành hầu hết thời gian cho tiếc nuối, dằn vặt, đau thương,..Họ có sở trường tìm thấy mặt tiêu cực trong bất cứ điều gì.

Người lạc quan sẽ thiên về hành động trong khi người bi quan thiên về co cụm không hành động. Vì hành động mới mang lại kết quả nên cái nhận được của người lạc quan luôn cao hơn nhiều so với người bi quan.

Lạc quan sinh ra nhiều thái độ tốt bao gồm:

  • Dễ tha thứ cho lỗi lầm của người khác và của chính mình.
  • Tầm nhìn mở rộng và thường xa. Họ tập trung vào mục tiêu xa thay vì chỉ nhìn những khó khăn trước mắt.
  • Có khả năng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh nhanh.

Lạc quan vốn là bản tính của con người, đặc biệt là người Việt Nam. Đây là thế mạnh của ta thì nên cố gắng mà vun đắp nó. Cũng như bi quan, sự lạc quan có tính lan tỏa mạnh mẽ. Một ngượi lạc quan sẽ xây dựng một gia đình lạc quan, một môi trường làm việc lạc quan, những người đồng hành trên đường đi lạc quan,…Càng lạc quan sức lan tỏa càng mạnh mẽ.

Một người bi quan có xu hướng tìm tới những người cũng bi quan. Người than thân trách phận thích nói chuyện với một anh cũng than thân trách phận. Còn gì mất hứng hơn khi mình thì buồn đau mà thằng kia nó cứ hớn ra. Người lạc quan cóc thích làm việc với người bi quan và ngược lại.

Cứ nhìn những người già xung quanh bạn. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người thành công mà suốt ngày than thân trách phận chưa. Bạn chỉ nhìn thấy ở người thành công một sự lạc quan đi cùng vẫn giữ được sự cẩn trọng cần thiết. Khi về già một người lạc quan cũng thường khỏe khoắn và đẹp lão, người bi quan thì âu sầu và bệnh tật.

Lạc quan cũng giống như nhiệt tình, nó phải đi cùng cấp bậc kiến thức, kỹ năng tương ứng. Nếu lạc quan quá trong khi 2 yếu tố kia chưa tới có thể dẫn tới thất bại. Lạc quan quá mức có thể gây ra vỡ mộng. Nghĩ rằng một kết quả tốt sẽ phải đến trong khi mọi thứ khó có thể nói trước điều gì. Luôn có những thứ xảy ra ngoài ý muốn.

 

Trong đường đời chúng ta chắc chắn phải có những khoảng thời gian chẳng vui vẻ gì nhưng hãy cố gắng về tổng thể, thời gian bạn vui vẻ phải chiếm chủ đạo.

3. Kỷ luật

Chẳng bao giờ chúng ta nghe nói tới kỹ năng kỷ luật cả vì vậy chắc chắn kỷ luật là một yếu tố thuộc về thái độ.

 

Kỷ luật là từ bỏ những niềm vui ngắn hạn trước mắt để hướng tới kết quả lâu dài. Một người có thái độ kỷ luật không phải đối xử với chính mình một cách hà khắc tệ bạc. Nếu hà khắc mà chẳng đi tới đâu thì đó là sự mù quáng.

Kỷ luật sinh ra rất nhiều các đặc tính phụ rất có ích cho sự thành công:

  • Tuân thủ các cam kết về mặt thời gian.

Từ những chuyện nhỏ như đi tới cuộc hẹn đúng giờ tới những thứ to tát như hoàn thành các công việc đúng với deadline. Những gì đã nói là thực hiện được, ai cũng muốn làm việc với họ. Nếu họ là người bán hàng thì khách sẽ ở lại với họ lâu; nếu họ là nhân viên trong một công ty thì sẽ thăng tiến nhanh hơn những người khác. Họ sẽ lan tỏa sự kỷ luật đó cho những người xung quanh họ từ gia đình tới cơ quan. Ngược lại, người vô kỷ luật cũng sẽ lan tỏa sự vô kỷ luật. Chúng ta thấy là khác với Kiến thức và Kỹ năng, Thái độ thuộc về cảm xúc có sự lan tỏa rất mạnh mẽ.

  • Có sự nhất quán trong hành động

Làm việc với một người nhất quán ta không có cảm giác lo lắng bất an. Ví dụ bạn có một bà vợ, lúc thì bà ý vui vẻ lúc thì lại cáu giận vô cớ, túm lại bà vợ hoạt động chẳng có quy luật gì cả, bạn sẽ vô cùng đau đầu khi sống cùng. Một người không nhất quán thường không chắc về những gì mình nghĩ, mình làm; họ nghĩ hay làm một thứ theo các cách khác nhau ở những lần giống nhau.

Nhất quán giống như một dây chuyền sản xuất, sản xuất ra 1 triệu cái điện thoại giống y hệt nhau.

Nhất quán mang lại sự thành công lớn vì họ lặp đi lặp lại một cách liên tục không ngừng nghỉ. Một người thiếu nhất quán khó đạt được cái gì to tát vì lúc thì cố gắng lúc thì không.

  • Khả năng tập trung vào công việc tốt.

Muốn hoàn thành các dealine đúng hạn với chất lượng cao đòi hỏi sự tập trung nỗ lực vào công việc. Một người có tính kỷ luật sẽ đi cùng với tính tập trung.

Tuy nhiên chắc chắn một mình tính kỷ luật sẽ không làm lên cái gì cả. Ta vẫn có thể bắt gặp những người rất kỷ luật mà cuộc sống, công việc không ra gì. Họ kỷ luật vì đơn giản họ sợ thay đổi, họ thích làm một thứ theo những cách giống nhau ở các lần khác nhau mà không quan tâm tới sự cải tiến.

Tóm lại ta để ý rằng cấp độ thái độ phải đi cùng hoặc đi trước một bước so với kiến thức, kỹ năng.

4. Ham học hỏi

Thái độ ham học hỏi giúp hình thành các kỹ năng, kiến thức còn thiếu rất nhanh. Do vậy một nhà tuyển dụng sẵn sàng tuyển một người chưa có kinh nghiệm gì vào làm nếu anh ta có khả năng học hỏi. Hầu hết các công việc trong công ty có tính lặp đi lặp lại cao và chỉ cần một thời gian vài tháng cũng quá đủ cho người ham học hỏi nắm bắt lấy.

Thái độ ham học hỏi giống như động cơ để đẩy toàn bộ các thái độ, kiến thức, kỹ năng khác giúp cho con người tiến về phía trước. Nếu không có thái độ này chúng ta sẽ đứng yên mọi chỗ về mọi mặt, chỉ tiến lên khi bị ép buộc.

Người ham học hỏi có những đặc trưng rất riêng và không khó để nhận ra:

  • Họ đánh giá kinh nghiệm có được sau khi thực hiện một công việc hơn là số tiền kiếm được. Người ở vế ngược lại chỉ quan tâm tới nhận được bao nhiều tiền; có tiền thì làm không tiền thì thôi.
  • Họ có xu hướng cải tiến công việc giúp công việc ngày càng làm tốt hơn với thời gian ngắn hơn. Người ở vế ngược lại sẽ không bao giờ nghĩ tới cải tiến; người ta hướng dẫn làm như thế nào thì cứ làm thế mãi, không tự hỏi “Có cách nào làm tốt hơn không”
  • Người ham học hỏi không sợ sự thay đổi. Thay đổi đối với họ là có thêm được kinh nghiệm mới. Người ở vế ngược lại sợ thay đổi, thích sự ổn định lâu dài.
  • Đọc sách thường xuyên cũng là đặc trưng của người ham học hỏi.
  • Một người ham học hỏi sẽ lắng nghe nhiều hơn là nói, hỏi bằng những câu hỏi mở trong khi một người ở vế ngược lại sẽ nói nhiều hơn là nghe, hỏi bằng những câu hỏi đóng.

Thể hiện của một người ham học hỏi là anh ta ngày càng làm được nhiều việc hơn, việc khó hơn với thời gian ngắn hơn.

Tại sao một người có được sự ham học hỏi? Vì họ có sự tò mò và đam mê muốn làm chủ những thứ xung quanh. Đứng trước một sự việc, hiện tượng nếu như bạn không đặt câu hỏi là tại sao nó ở đây, nó vận hành như thế nào, nó bao gồm những thứ gì? thì bạn sẽ không có hứng thú tìm hiểu nó; chính việc đặt câu hỏi gợi lên động cơ muốn tìm câu trả lời.

Một người không ham học hỏi thường đi kèm với tính cách khoe khoang. Anh ta để dành sức lực cho việc che đậy sự “không biết của mình”, cố gắng thể hiện mình là “người biết hết”. Đáng nhẽ anh ta nên thẳng thắn thừa nhận mình không biết để từ đó tự tìm hiểu hoặc người khác chỉ bảo. Kết quả đến từ hành động cụ thể chứ không phải từ việc cố gắng tỏ ra mình có thể làm được điều đó, người ta sẽ biết bạn “không biết” không sớm thì muộn.

Con người sinh ra đều phải học thì mới biết và làm; khác biệt là có người tập trung vào tìm hiểu còn người khác tập trung vào cố gắng tỏ ra rằng mình hiểu.

5. Thái độ biết ơn

Cuối cùng nhưng là quan trọng nhất thậm chí còn là mẹ của 4 thái độ trên đó là thái độ biết ơn. Thái độ biết ơn xuất phát từ quý những gì mình đang có, quý những gì người khác làm cho mình.

Cho dù bạn là ai thì bạn luôn đang sở hữu một cái gì đó. Đó có thể là một sức khỏe tốt, một trí óc minh mẫn, đang còn trẻ, một gia đình yên ấm, ….Khó có ai mọi thứ đều đủ đầy hết, có thể sức khỏe rất tốt nhưng tiền bạc thì hạn hẹp hoặc tiền bạc có rất nhiều nhưng nay ốm mai đau. Có thể chẳng có gì trong tay nhưng lại đang rất trẻ hoặc có mọi thứ trong tay nhưng đã già khú đế.

Người biết ơn sẽ tập trung vào cái họ có thay vì cái họ thiếu. Họ quý trọng vì vậy cố gắng sử dụng hiệu quả các nguồn lực mình có. Một người biết quý trọng thời gian sẽ tìm cách sử dụng thời gian hiệu quả, một người biết quý trọng sức khỏe sẽ cố gắng để ngày càng khỏe hơn, một người biết quý trọng gia đình sẽ cố gắng gìn giữ.

Muốn biết một ai đó có quý trọng cái gì đó không thì chỉ cần xem cách họ đối xử với nó.

Biết ơn thứ hai là biết ơn những thứ người khác làm cho mình. Một người có tấm lòng biết ơn sẽ tận dụng tốt mọi cơ hội khi người khác trao cho mình con người không biết ơn sẽ phung phí các cơ hội đó.

Khi bạn nhường chỗ ngồi cho một cô gái trên xe buýt. Cô ý có thể đơn giản là ngồi xuống và lập tức quên bạn. Cô ý cũng có thể tỏ lòng biết ơn và cảm thấy ấm áp trong lòng về tình người. Phản ứng thứ hai mang lại niềm vui cho cả bạn lẫn chính cô ý.

Khi bạn cho tiền một người ăn xin. Ông ta nhận và bỏ đi hoặc ông ta cũng có thể cảm ơn bạn. Nếu ông ta là một ăn xin chuyên nghiệp có lẽ ông ta sẽ không hề biết ơn bạn một chút nào. Ông ta chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đã bỏ đi sĩ diện chìa tay ra thì xứng đáng được đền đáp.

Những thứ ta thường xuyên được nhận thường ta sẽ nghĩ đương nhiên là được mà không cảm thấy biết ơn. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình giàu có hàng ngày được bố mẹ cho tiền sẽ không thể biết ơn bằng một đứa trẻ nhà ngèo thỉnh thoảng lắm bố nó mới cho tiền.

Một người khỏe mạnh sau một thời gian dài ốm đau sẽ biết quý sức khỏe cũng như một người có tiền sau một thời gian dài thiếu thốn sẽ biết quý đồng tiền.

Cô gái trên xe buýt không có cảm xúc gì khi được người khác nhường chỗ có thể thường xuyên đi xe buýt và thường xuyên được nhường nên coi đó là lẽ đương nhiên.

Lòng biết ơn với những người xung quanh sẽ giảm dần theo số lần được cho. Lòng biết ơn với những gì mình đang có giảm đi theo những gì mình có tăng lên. Vậy chúng ta phải tỉnh táo để luôn biết rằng chẳng ai cho không ai cái gì cũng như chẳng có cái gì là tồn tại vĩnh viễn.

Một người có lòng biết ơn sẽ sinh ra một số thái độ liên quan như sự tự trọng, tinh thần trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm, chủ động,..

5 thái độ trên bao gồm Nhiệt tình, Lạc quan, Kỷ luật, Ham học hỏi và Biết ơn có mối quan hệ qua lại với nhau. Một người đã sở hữu 1 thái độ nào đó thường sẽ sở hữu một vài thái độ khác.

Nếu một người sở hữu được cả 5 thái độ này thì không có lý gì họ không thành công theo hướng này hay hướng khác. Nếu phải chọn 1 thì tôi sẽ chọn thái độ cuối cùng. Có thể tôi sẽ không giàu có gì nhưng tôi sẽ sống một cuộc sống chắc chắn ý nghĩa.

Bình luận (0)

Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough

Bài viết liên quan

Learning English Everyday