Tư duy logic - Phần 3 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-05-01 807 Lượt xem 28 Lượt thích 0 Bình luận
Thoát khỏi mơ hồ
Khi nhắc tới “con mèo” bạn biết rõ nó là con gì vì bạn đã nhìn thấy nó rất nhiều lần, cả thực tế lẫn qua trung gian. Giờ nếu như bạn chưa bao giờ nhìn thấy con mèo, một người chỉ con mèo và nói với bạn đó là một giống chó. Bạn gán cụm từ “con chó” với một hình ảnh trong đầu về con vật đó. Lần sau ai đó hỏi bạn con đó là con gì, bạn sẽ nói đó là “con chó”.
Nếu như ai đó bảo con đó không phải là “con chó” bạn sẽ tranh cãi cho bằng được vì bạn “biết rõ ràng” đó là con chó.
Trong đầu chúng ta luôn tồn tại một cặp tương xứng giữa một cụm từ và một sự vật, sự kiện. Nhắc tới con mèo ta hình dung ra con mèo, nhắc tới con chó ta hình dung ra con chó, nhắc tới con rồng ta hình dung ra con rồng. Bạn chưa bao giờ nhìn thấy con rồng nhưng bạn đã từng nhìn ảnh một con rồng và người ta dùng danh từ “con rồng” để ám chỉ con vật đó.
Điều gì diễn ra nếu như bạn gán sai? vì rõ ràng là không phải cái gì bạn cũng trực tiếp trải nghiệm, rất nhiều thứ bạn biết được từ trung gian. Người châu âu sẽ cãi nhau với người châu á rằng con rồng (Dragon) trông như con khủng long và có cánh; người châu á sẽ cãi rằng nó phải giống như con rắn có sừng mới đúng.
Khi nhắc tới từ “Quản trị” trong đầu tôi hiện ra khái niệm về nó nhưng chưa chắc khái niệm của tôi đúng vì tôi cũng chỉ đọc nó ở một cuốn sách mà cuốn sách đó được viết bởi một người, có nghĩa nó rất chủ quan.
Điều rút ra ở đây là bạn đừng gắn chặt hiểu biết của bạn với một cái gì, rằng nó là chân lý. Xét về nguyên tắc, một vật là chính nó mà không phải là thứ khác. Một con mèo là một con mèo, con mèo không thể là con chó; có nghĩa là chân lý thì có một nhưng chủ quan thì có nhiều. Chủ quan mà bạn tiếp nhận chưa chắc đã đúng vì vậy phải hết sức cởi mở để tiến dần tới chân lý.
Con người luôn muốn tiến tới chân lý vì họ biết rằng cái mình đang có không phải là chân lý. Giống như các bài viết trên blog này, đó không phải là chân lý, tôi chỉ đang cố gắng tiến tới chân lý mà thôi. Mặc dù mong muốn như vậy tôi có thể đang xa rời chân lý mà không biết vì nếu biết tôi đã không làm.
Một thực tại khách quan đáng nhẽ là A thì bạn hiểu là B; hoặc bạn không có bất cứ khái niệm nào thì đó là sự mơ hồ. Càng nhiều thứ hiểu mơ hồ thì bạn càng xa rời chân lý, mọi thứ cứ mập mờ, giữa trắng và đen, giữa đúng và sai, giữa có và không có, giữa phải và trái, giữa những thứ nên làm và những thứ không nên làm. Càng mơ hồ ta càng bị các chủ thể khác chi phối.
Mơ hồ giống như việc ta đi trong bóng đêm, ta không thể quan sát bất cứ cái gì vì vậy ta dễ dàng vấp phải đồ vật; việc đi về hướng nào cũng như nhau vì mọi hướng là giống nhau. Thoát khỏi mơ hồ ta sẽ nhìn thấy rõ điểm muốn tới, nhìn rõ đồ đạc xung quanh để không bị vấp ngã.
Chúng ta tiếp nhận thông tin ngay cả chúng ta không muốn
Ở ví dụ đầu entry này một người chỉ cho bạn con mèo và bảo bạn đó là một giống chó. Vì chưa bao giờ nhìn thấy con mèo nhưng bạn cũng không thể tin ngay được vì trong đầu bạn các giống chó hình như đều có một đặc điểm là lông cứng, mõm dài, trông cứng cáp. Con vật trước mắt bạn lông mềm và ẻo lả.
Bạn đưa thông tin này vào não với một suy nghĩ rằng điều này chưa chắc đã đúng. Tuy nhiên trí nhớ của bạn chỉ phân biệt Đúng và Sai; sau một thời gian nó chỉ còn nhớ mỗi một câu đó là Con vật có hình dạng như vậy là một giống chó.
Hàng ngày bạn đọc không biết bao nhiêu tin tức. Đừng tưởng rằng đọc chỉ với mục đích giải trí, nó sẽ định hình lên nhận thức của bạn. Bạn xem quảng cáo và cam đoan rằng mình chỉ xem cho biết mà không bao giờ mua. Nhưng trong đầu bạn đã định hình rằng một khó khăn nào đó đã được giải quyết rất tốt bởi một sản phẩm/dịch vụ nào đó. Khi gặp khó khăn đó bạn sẽ mua sản phẩm/dịch vụ đó.
Trí não ta sẽ lấp đầy những khoảng trống
Nếu như bạn nhận thức rằng A là B thì trí não ta sẽ tìm mọi cách chứng minh rằng A là B mà bỏ qua các dữ kiện khác.
Nếu bạn có nhận thức rằng A là một sản phẩm tốt thì bạn sẽ chỉ nhìn thấy những điểm tốt của A. Khi mới yêu bạn sẽ chỉ nhìn thấy mặt tốt của người yêu, ngay cả điểm xấu bạn cũng cho là tốt.
Bạn đang nhận thức thế giới như thế nào?
Khi nhắc tới Người Việt Nam bạn có nhận thức như thế nào?
Nhận thức 1: Người Việt nam có tính cẩu thả, hay chen lấn khi xếp hàng, vô tâm, keo kiệt, độc ác.
Nhận thức 2: Người Việt Nam là những người cần cù lao động, hay giúp đỡ người xung quan, thân thiện, ham học hỏi.
Khi nhắc tới Người giàu, bạn có nhận thức như thế nào?
Nhận thức 1: Người giàu là những người rất keo kiệt, hợm hĩnh, thích khoe của, luôn muốn trèo lên đầu người khác, họ làm giàu bằng những hành động bất chính.
Nhận thức 2: Người giàu là những người đã tạo dựng lên tài sản rất lớn bằng sự chăm chỉ và sáng tạo, họ tạo công ăn việc làm cho người xung quanh, họ giúp đất nước giàu hơn.
Nhận thức nào cũng có lý cả vì đúng hay sai phải được đặt trong một tình huống cụ thể. Nhận thức nào là tích cực sẽ giúp bạn tiến lên, nhận thức nào là tiêu cực sẽ kéo bạn xuống. Bạn đừng mong trở thành người giàu nếu như bạn có nhận thức tiêu cực về người giàu.
Nhận thức sẽ kéo theo hành động. Nếu bạn có nhận thức tích cực về người Việt Nam bạn sẽ hành xử tích cực. Nếu bạn nhận thức tiêu cực về người Việt Nam bạn sẽ hành xử tiêu cực vì bạn là một cá thể trong tập hợp đó.
Tại sao bạn nhận thức như vậy? có phải là bạn nghe người ta nói. Bạn sẽ bảo là Tôi vào viện toàn bị bác sĩ vòi tiền vì vậy ngành y tế rất tồi tệ, tôi có trải nghiệm thực tế để có nhận thức này. Nhưng một số ít trải nghiệm của bạn có đại diện được cho cả ngành y tế không? Cho dù bạn có trải nghiệm thì nhận thức đó cũng chưa chắc đã đúng.
Bình luận (0)