Quay lại
Làm sao để sống là chính mình?

“Hãy là chính mình”. Khẩu hiệu thời thượng ngày nay. Cứ hơi tí là người ta hô hào “hãy là chính mình”, ” Hòa đồng chứ không hòa tan”,….. Đặc biệt những em sinh viên mới ra trường, những người trẻ càng hay được khuyên Hãy là chính mình; nhưng thế nào là chính mình thì không đơn giản, có thể ta cũng đã lờ mờ hiểu được ý nghĩa của nó. Trong entry này tôi sẽ giải thích về khái niệm này, tất nhiên dưới góc độ cá nhân, không phải là chuẩn mực.

Entry này cũng cảm hứng từ cuốn “Đúng việc” của Giản Tư Trung, phần “Làm người”.

Tôi ngẫm nghĩ, con người ta mục đích cuối cùng là đạt hạnh phúc và họ có quyền mưu cầu hạnh phúc (đúng bài nhé). Có vô số mức độ hạnh phúc và cũng có vô số cách để đạt được. Mỗi người tùy theo xuất phát điểm, mong muốn mà lựa chọn mức độ hạnh phúc và cách hạnh phúc phù hợp. Nếu định khung trong đầu thế nào là hạnh phúc theo tiêu chuẩn của người khác thì khả năng cao là lúc nào cũng sốt ruột, đứng núi A trông núi B.

Trong quá trình mưu cầu Hạnh phúc người đó đương nhiên phải không được cản trở người khác đạt hạnh phúc của họ. Ví dụ nếu tôi cướp tiền của bạn, tôi có tiền, tôi cảm thấy hạnh phúc nhưng bạn thì không. Tôi nói xấu bạn, tôi cảm thấy hả hê trong lòng, bạn thì bực dọc.

Hai khẩu hiệu Hãy là chính mình và Hãy hạnh phúc thực sự có trùng nhau không? Tôi nghĩ rằng là chính mình giống như là một cách, một quan điểm để hạnh phúc; một con gà và một con cá sẽ có cảm nhận và cách đạt được hạnh phúc khác nhau nên con gà hãy cứ là con gà mà con cá hãy cứ là con cá. Đương nhiên nó không phải là cách duy nhất, quan điểm duy nhất.

Là chính mình có nghĩa là :

  • Phù hợp với chuẩn mực đạo đức
  • Sống có ý nghĩa
  • Đồng nhất giữa ngoài và trong
  • Có cá tính

1.Chuẩn mực đạo đức

Một ông say rượu thực hiện các hành vi đáng xấu hổ ngoài đường. Nếu bạn biết rõ người đàn ông này, bạn biết rằng ông ý hôm nào cũng thế; và bỗng nhiên hôm nay ông ý không say rượu nữa, cư xử rất văn minh, bạn thốt lên “ông ý không còn là ông ý nữa”. Vậy chẳng nhẽ hôm nay ông ý đã đánh mất chính mình ? Rõ ràng không phải thế.

Vào một ngày, bạn gặp lại bạn gái cũ từ hồi cấp 3, cô ý không còn nhút nhát, ít nói như hồi cấp 3 nữa. Giá hồi đó cô ý cũng như bây giờ có khi bạn và cô ý đã có một kết cục khác bây giờ.  Cô ý ngày nay khác với hồi xưa, vậy chẳng nhẽ cô ý không còn là cô ý của ngày đó nữa? Cô ý đã đánh mất mình hay cô ý đã tìm thấy mình?

Có một anh cướp, anh đã đi ăn cướp của người ta từ khi còn bé tí, trong nhận thức của anh thì xã hội là một sự đấu tranh của những sinh linh nơi những người yếu bị chà đạp. Anh tự hào vì mình là kẻ mạnh, sống trên những người khác, cuộc sống tuy không yên bình nhưng tiền thì luôn có. Khi anh cướp của người ta anh chẳng cảm thấy một chút áy náy nào, nó diễn ra tự nhiên như việc đói thì phải ăn vậy.

Một anh cướp khác, anh nghĩ rằng việc ăn cướp của người ta thực sự là một tội ác nhưng tự biện minh rằng hoàn cảnh xô đẩy. Cứ hết lần này tới lần khác anh hứa đây là lần cuối cùng và mình sẽ sống lương thiện trong tương lai, nhưng rồi vịt quen đường cũ, đâu lại vào đấy. Khi về nhà anh vẫn dạy bảo những đứa con của mình là phải đối xử với người xung quanh thật tốt, phải lương thiện,… Đứng trước mỗi một vụ cướp anh đều cắn rứt lương tâm, và giải tỏa sự cắn rứt đó bằng cách trở thành một người con hiếu thảo. Một tên cướp có hiếu là mô típ thường thấy.

Vậy nếu ngày mai cướp 1 và cướp 2 bỗng hoàn lương, thực hiện những điều lương thiện thì có phải là cướp 1 đánh mất mình còn cướp 2 tìm được chính mình?

Giờ ta có thể minh bạch được rằng không phải ta làm khác đi với trước đó thì đó là đánh mất mình. Tiêu chuẩn là chính mình không phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nhận thức của cướp 1 và cướp 2 khác nhau nhưng đều là đang đánh mất mình.

Vậy lấy cái gì làm chuẩn để ta có thể phân biệt trong những trường hợp này? Đó là Chuẩn mực đạo đức.

Chuẩn mực đạo đức là các quy tắc (ngầm định hoặc bằng văn bản) được loài người văn minh công nhận. Ví dụ như không giết người, không gây hại cho người khác, không vứt rác ra đường, không nói xấu người khác, con cái phải hiếu thảo với bố mẹ, học trò phải tôn trọng thầy cô, phải trung thực,…

Dưới chuẩn mức đạo đức mà một người văn minh phải hành xử thì cũng có những quy định mang tính cục bộ địa phương giống như dưới hiến pháp thì phải có luật vậy. Nhưng luật thì phải phù hợp với hiến pháp, nó không thể đi ngược lại hiến pháp. Có thể mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi đất nước có những chuẩn mực khác nhau nhưng tựu chung nó phải tuân theo chuẩn mực của một người văn minh

Nhận thức được thế nào là đúng, thế nào là sai cũng không đơn giản. Chúng ta xây dựng nhận thức từ khi mới ra đời tới bây giờ thông qua những người thân và những người xung quanh. Giống như nhận thức của tên cướp 1, rõ ràng việc cướp của người khác là việc trái với chuẩn mực nhưng anh ta không hề thấy đó là sai.

Từ nhận thức tới suy nghĩ và hành động cũng là cả một chặng đường dài. A hiểu rằng trung thực là chuẩn mực nhưng đứng trước món lợi lớn A nói dối để được lợi, khi đó A đã đánh mất mình. A nhận thức được nhưng A không cưỡng được cám dỗ. B hiểu rằng xếp hàng thứ tự là hành vi của một người văn mình nhưng B vẫn chen lấn vì B đang sốt ruột về cái xe dựng trước quán không có khóa. C hiểu rằng đánh vợ là hành vi của kẻ vũ phu nhưng mỗi khi có rượu vào C đều tẩn vợ lên bờ xuống ruộng.

Lửa thử vàng. Chỉ khi ta phải đứng trước các sức ép thì ta mới biết khả năng giữ mình của mình tới đâu. Ta không thể ngồi yên trên salon và tự nhủ rằng mình là người hết sức là trung thực, đối tốt với người khác, luôn nỗ lực hết mình,… trong khi trong quá khứ tới nay chưa có lần nào những đức tính đó được thử thách một cách đáng kể.

Chỉ khi đối mặt với thử thách ta mới biết mình là ai.

2. Sống có ý nghĩa

Chắc hẳn khi xem phim hoạt hình UP bạn còn nhớ tới bản nhạc “Married Life”. Một bản nhạc cùng hình ảnh vô cùng cảm động; nó mô tả chính xác cuộc đời của hầu hết chúng ta. Khi mới bắt đầu thì ước mơ rất lớn, rồi những biến cố, cuộc sống cơm áo gạo tiền chiếm hết thời gian của ta. Bỗng chốc cuối cùng tóc đã bạc, chẳng còn có thể thực hiện được những ước mơ lúc mới đầu nữa.

Có gì đó sai sai ở đây? Ta rõ ràng nhìn thấy vết xe đổ nhưng ta vẫn cứ đi trên vết xe đó. Dù sao thì cơm áo gạo tiền, những vấn đề mưu sinh vẫn đang chiếm hầu hết thời gian của chúng ta. Khi chúng ta đã quen sáng đi làm, tối về nghỉ rồi lại sáng hôm sau đi làm, chúng ta rất khó để làm khác đi, phá vỡ những hoạt động lặp đi lặp lại đó. Ngay cả khi bạn đã có thừa tiền để sống tới cuối đời thì bạn vẫn cứ thế, một năm trôi qua giống như một ngày, 10 năm trôi qua giống như 1 năm. Vì những thước phim giống nhau hoàn toàn nên chẳng có gì để nhớ khi muốn nhớ lại.

Bạn không thể nhớ được bằng giờ này tuần trước mình đã ăn gì buổi tối vì bữa ăn tối lặp đi lặp lại na ná giống nhau. Bạn không thể nhớ bằng giờ này tuần trước, tháng trước, năm trước mình làm gì vì đơn giản công việc của bạn cũng có tính lặp đi lặp lại giống nhau. Đó là lý do tại sao ta có cảm giác thời gian ngày nay lại trôi nhanh tới vậy. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết tuần, hết tháng, hết năm.

Tuổi trẻ thường nhiều ước mơ, đi xuyên việt, đi khắp các nước trên thế giới, trở thành bác sỹ chữa bệnh miễn phí cho người ngèo, trở thành anh công an để bắt kẻ cướp,…Và rồi năm tháng trôi qua bạn sẽ thấy rằng ước mơ mãi chỉ là ước mơ, đa phần trong chúng ta chẳng ai có thể thực hiện được.

Tôi nghĩ rằng là chính mình lúc này có nghĩa rằng mình theo đuổi và thực hiện được những ước mơ của mình. Con người ta lúc nào chẳng có ước mơ, có thể lúc mới vào đời ước mơ của ta rất viển vông kiểu như được lên cung trăng hôn chân chị Hằng nhưng cùng với thời gian ước mơ của ta cũng thực tế hơn kiểu như có một năm để đi khắp thế giới. Nhưng dù thế nào thì hầu hết ta đều không thực hiện được ước mơ của mình, nếu dễ thì đã chẳng gọi là ước mơ.

Ước được có một mảnh vườn vời ao cá trước nhà. Ước sở hữu một chuỗi cửa hàng ăn nhanh. Ước sở hữu một quán cafe được trang trí theo cách của mình. Ước cho người ngèo bớt giàu và người giàu bớt ngèo :).

Chắc chắn trong mỗi chúng ta đều đang có một điều ước nào đó. Nếu chúng ta theo đuổi nó, cho dù cuối cùng không được trọn vẹn như tưởng tượng ban đầu thì cũng khiến ta cảm thấy mình đã làm một cái gì đó cho mình, được sống cho mình.

Hầu hết chúng ta thực tế là nỗ lực để thực hiện điều ước của người khác (mà không phải của chính chúng ta). Điều ước của bố mẹ, của con cái, của đồng nghiệp, của bạn bè, của sếp. Thật lý tưởng nếu như trong quá trình thực hiện điều ước của người khác ta thưc hiện điều ước của chính mình.

3. Đồng nhất giữa ngoài và trong

Có người nói hạnh phúc đơn giản là khi bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm đồng nhất nhau. Nghe thì rất đơn giản, chẳng phải là chúng ta làm những thứ chúng ta nghĩ sao? Chẳng nhẽ chúng ta nghĩ là giơ tay phải thì ta giơ tay trái? Muốn giơ tay phải thì đầu tiên phải nghĩ là giơ tay phải sau đó mới điều khiển các cơ để tay nâng lên chứ?

Một ví dụ để ta hiểu tình huống này. Bạn rất ghét cái thằng đối diện, rất muốn đuổi nó đi nhưng vì phép lịch sự bạn không thể làm thế được. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi đuổi nó đi đúng như ý nghĩ trong đầu thay vì cứ phải ngồi tiếp nó, cười với nó.

Bạn đang trong hàng đợi xếp hàng mua vé xem phim. Có hai tình huống:

  • Tình huống 1: Nghĩ rằng xếp hàng là đúng
  • Tình huống 2: Vì một lý do nào đó mong muốn chen lên hàng đầu.

Ở tình huống 1 bạn cảm thấy rất thư giãn nhưng ở tình huống 2 thì bạn rất sốt ruột. Mặc dù cả hai tình huống đều cho ra kết quả như nhau đều phải đợi nhưng tình huống 1 tâm trạng sẽ tốt hơn nhiều so với ở tình huống 2.

Bạn là người ham học hỏi, ham muốn học hỏi đã ở trong máu bạn rồi. Bạn đọc sách, tham dự các khóa học, lắng nghe góp ý của người khác. Ngược lại nếu như bạn không phải người như vậy nhưng phải cố gắng tỏ ra trước mặt sếp là người ham học thì việc đọc sách, tham gia khóa học, lắng nghe góp ý thực sự là cực hình. Cả hai trường hợp bạn đều phải bỏ ra công sức như nhau nhưng kết quả thu lại khác nhau, tình huống 1 thư giãn và đón nhận kết quả tốt nhất, tình huống 2 căng thẳng và kết quả mang tính đối phó là chính.

Một người bạn của bạn mời bạn đi ăn nhậu. Bạn thực sự không muốn nhưng vì phép lịch sự bạn đồng ý. Ý nghĩ thì “Không” nhưng lời nói và hành động lại  “Có”.

Tên cướp 1 trong ví dụ ở đầu entry nhận thức rằng cướp chẳng có gì là sai vì vậy nó không cảm thấy áy náy gì lắm mỗi lần cướp vì vậy cướp rất…năng suất. Tên cướp 2 thì cướp trong trạng thái mình đang hành động sai vì vậy năng suất kém hơn. Đúng là tên cướp 1 có sự đồng nhất giữa trong và ngoài nhưng nó lại không đạt tiêu chuẩn về chuẩn mực đạo đức.

Chúng ta rút ra một vài kết luận như sau:

  • Khi bạn hành động, cho dù muốn hay không muốn thì chi phí phải bỏ ra như nhau. Khi ăn cái kem cho dù thích hay không thích thì cũng vẫn phải bỏ tiền ra mua kem như nhau.
  • Giữa ý nghĩ và hành động trùng khớp nhau thì hiệu quả mang lại cao hơn so với không trùng nhau. Bạn thưởng thức que kem tốt hơn nếu thực sự thích ăn nó, ngược lại chỉ là sự chịu đựng, mong muốn ăn cho xong.
  • Bạn có quyền quyết định “suy nghĩ” và “hành động” của mình. Vì mình làm chủ chính mình, chịu trách nhiệm cho hành động của mình nên mình có quyền nghĩ, nói và làm theo như mình mong muốn.
  • Do suy nghĩ có trước, hành động có sau nên việc tốt nhất là thay đổi cách nghĩ mới là căn cơ. Định hướng thay đổi cách nghĩ theo chuẩn mực xã hội, theo những mục tiêu bạn muốn đạt. Đôi khi ngắn hạn bạn không muốn nhưng nó có lợi cho dài hạn. Ví dụ như bạn không thích uống thuốc vì nó đắng nhưng muốn khỏi bệnh thì phải uống thuốc.
  • Nếu như suy nghĩ là đúng thì hãy hành động theo suy nghĩ đừng để những yếu tố khác tác động. Nếu không thích ăn kem thì đừng có ăn kem. Nếu không thích đi nhậu thì đừng đi nhậu. Nếu không thích bộ quần áo đó thì đừng mặc chỉ vì một người qua đường nào đó sẽ thích.

Trường hợp đánh mất mình kinh điển nhất là bị bên ngoài chi phối. Môi trường bên ngoài tốt thì mình tốt, môi trường bên ngoài xấu thì mình xấu. Suy nghĩ cứ thay đổi xoành xoạch chẳng có tiêu chuẩn gì để bám lấy, lúc này nghĩ tốt nhưng ngày mai đã nghĩ xấu và ngược lại. Điều này có nghĩa rằng người đó chưa định hình được thế nào là đúng thế nào là sai. Bản chất việc thay đổi giữa các thái cực là không sai, sai là ở chỗ ta không thay đổi dựa trên một cơ sở nhất quán.

4. Có cá tính

“Là chính mình” chứ không phải “Là chúng ta”. Cùng đi tới Hải Phòng, tôi thích chạy, bạn thích đi bộ, người thích đi xe máy, thằng thích đi trực thăng…Cùng là có một khoảng thời gian rảnh, tôi thích chạy, bạn thích đọc sách, người thích đi nhậu, kẻ thích nằm ngủ.

Chúng ta cho dù thế nào cũng là những phiên bản có giới hạn về số lượng. Chúng ta có những đặc điểm riêng, sở thích riêng, thế mạnh riêng, điểm yếu riêng.Do vậy cho dù cùng hướng tới một mục tiêu thì ta có những cách thực hiện khác nhau. Tôi không thể bắt chước bạn cũng như bạn không thể bắt chước tôi.

Do mỗi người có một thế mạnh khác nhau vì vậy mình phải biết mình mạnh gì để mà phát triển dựa vào đó. Bất cứ ai cũng có một mặt nào đó mạnh hơn các mặt khác so với chính người đó. Điểm mạnh đó có thể so với người khác chưa là gì nhưng cũng còn tốt hơn là mình mang điểm yếu của mình đi so với người khác.

Một người thành công kể cho bạn về con đường thành công của anh ta. Tại sao anh ta lại thành công thì thường anh ta đứng trên quan điểm của anh ta để kết luận. Bản thân anh ta cũng chưa chắc đã nhận định đúng chính xác nguyên nhân. Do vậy sẽ rất rủi ro nếu chúng ta tin rằng những nguyên nhân đó sẽ mang lại kết quả để từ đó lao đầu theo bất chấp điểm mạnh yếu của bản thân.

Có câu khẩu hiệu “Hãy sống thật với chính mình ?” Thực ra nếu như bạn không biết mình là ai thì làm sao biết mình có sống thật với chính mình hay không. Phải chăng sống thật với chính mình có nghĩa là mình là sao thì mình cứ hành xử là vậy ? Thực tế câu này cũng tương đương với câu “Hãy là chính mình”

Kết luận:

Là chính mình có nghĩa là sống theo chuẩn mực đạo đức, sống có ý nghĩa, đồng nhất trong ngoài và có cá tính riêng.

 

Bình luận (0)

Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough

Bài viết liên quan

Learning English Everyday