Tư duy logic - Phần 13 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-05-02 1.1k Lượt xem 107 Lượt thích 0 Bình luận
Tư duy kinh nghiệm
Trong entry đầu tiên của Tư duy logic tôi có phân tạm ra có 3 kiểu tư duy chính:
Cách chia này chưa chắc đã đủ nhưng là cách để chúng ta đỡ bị lẫn giữa rất nhiều các tên gọi khác nhau. Tư duy phản biện tôi nghĩ cũng là nằm trong tư duy phân tích trong đó chúng ta hướng về mặt trái của vấn đề thay vì theo mặt phải thông thường.
Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng cho cả 3 loại này, chỉ khác nhau ở cấp độ. Người nào mạnh về loại tư duy nào sẽ cố gắng tận dụng loại tư duy đó. Mỗi loại tư duy có những điểm mạnh và yếu riêng, tận dụng cả 3 sẽ giúp bổ trợ cho nhau.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sự khác nhau của 3 kiểu tư duy này.
Ví dụ: xây dựng nhận thức về việc lửa rất nóng và có thể bị bỏng khi chạm vào
Tư duy kinh nghiệm:
Nếu như A chưa có bất cứ kinh nghiệm nào với lửa. A tò mò thử sờ tay vào và thấy rất nóng. Khi rút tay ra khỏi lửa A vẫn thấy khó chịu chỗ đó, sau 1 ngày chỗ đó phồng rộp lên. A đã có thêm một nội hàm về khái niệm của lửa và cũng đã biết thêm khái niệm của bỏng. A đã có thêm nhận thức này và từ nay A sẽ không còn dám chạm tay vào lửa nữa.
A ở trong bộ lạc X có rất nhiều các thành viên khác trong đó có 3 ông là Đa nghi, Ngây thơ và Vô tư. A truyền đạt đạt kinh nghiệm này cho cả 3. Kinh nghiệm này trở thành kiến thức của 3 ông. Đa nghi chỉ tin những gì anh ta trực tiếp trải nghiệm, anh ta không tin và thử làm những gì A đã làm, kết quả là anh ta thu được kinh nghiệm cho riêng mình với cái giá phải trả như A.
Ngây thơ là người cả tin, anh ta lập tức tin A mà không nghi ngờ gì, kiến thức đó biến thành kinh nghiệm của Ngây thơ. Vô tư là người chẳng bao giờ chú tâm vào cái gì, anh ta quên ngay khi vừa nghe xong, một ngày đẹp trời nào đó anh ta vì lý do nào đó cũng chạm tay vào lửa và cũng sẽ có kinh nghiệm cho riêng mình.
Tư duy logic:
B chưa có bất cứ kinh nghiệm nào với lửa và rất muốn biết ngọn lửa như thế nào . B nhìn thấy ngọn lửa đang biến lá cây khô thành mủn đen xì và nhận định rằng nếu như sờ tay vào có thể sẽ bị đen thui như lá cây. Vì vậy B rất cẩn thận để tay tiến lại gần ngọn lửa mà không để tay ngay vào như A. B thu được kinh nghiệm rằng càng tiến tới gần ngọn lửa thì càng nóng, tới một lúc không chịu được B rụt tay lại. Vì chưa bị bỏng nên B không thu được khái niệm về bỏng nhưng biết rằng lửa rất nóng.
B sử dụng tư duy logic để thông qua khái niệm mới có để tự nhận thức ra các khái niệm khác có liên quan. Trong khi đó thì A vẫn cứ thử nghiệm, trả giá để có kinh nghiệm mặc dù không cần thiết.
C là người cũng không có kinh nghiệm với lửa và đương nhiên cũng muốn biết lửa thế nào. C nghe thông tin từ tất cả để rút ra nhận thức về lửa. C không mất công sờ vào lửa cũng chẳng chạm tay vào lửa mà vẫn có kinh nghiệm.
Tư duy sáng tạo:
B bắt đầu tìm cách để bảo quản lửa, tạo ra lửa, sử dụng lửa trong đời sống… Để lấy lửa B chỉ nghĩ ra mỗi cách là chỗ nào có sét đánh thì tới đó lấy lửa. Rất nhiều trường hợp B bị chết hụt hoặc tới đó quá trễ. Quá nhiều người trong bộ lạc X chết vì sét đánh, quá mệt mỏi vì phải canh sét rồi chạy tới; B ngồi nghĩ cách khác; lúc này B đã bị ép phải dùng tới tư duy sáng tạo.
A có được nhận thức về lửa thì đi ngủ kỹ; đợi tới một lúc nào đó bỗng nhiên biết cách tạo ra lửa hoặc là được người khác truyền cho cách tạo ra lửa.
Như vậy ta thấy là tư duy sáng tạo chỉ xuất hiện khi người ta gặp một trở ngại mà sử dụng tới tư duy kinh nghiệm hay tư duy logic là không thể vượt qua. Trường hợp còn lại là họ ý thức được rằng tư duy sáng tạo là cách để có bước nhảy vọt và vì vậy chủ động hướng tới nó.
Qua ví dụ ta thấy là tư duy kinh nghiệm cũng có chỗ đứng của mình. Thông thường khi nghĩ tới loại tư duy này ta hình dung ngay ra một bác già làm lâu năm trong công ty lúc nào cũng mang kinh nghiệm ra để làm cơ sở, cản trở mọi sự đổi mới. Thực tế là bất cứ ai trong chúng ta càng về già thì càng dựa nhiều vào tư duy kinh nghiệm vì theo lý đơn giản là mạnh cái gì thì dựa vào cái đấy.
Người trẻ vì chưa có kinh nghiệm nên họ không bị kinh nghiệm tri phối nhiều trong các quyết định của mình. Họ sử dụng nhiều tới tư duy logic để thu thập kinh nghiệm cho mình mà không phải trả giá vì nó. Như trường hợp của C, C không mất thời gian chạm lửa, cũng không bị bỏng. C thông qua tư duy logic phân tích thông tin nhận được từ nhiều nguồn khác nhau để tự nhận thức một thực tại khách quan mà không thông qua trải nghiệm trực tiếp. C không quá đa nghi, không quá ngây thơ và cũng chẳng quá cả tin.
Nhận thức của B sẽ không đầy đủ bằng A vì B không bị bỏng. Nhận thức của C có thể bị sai lệch quá nhiều do nhận thức qua nhận thức của người khác.
Đa nghi, Vô tư chỉ có được kinh nghiệm thông qua sai lầm. Họ sẽ không tận dụng được kinh nghiệm mà nhân loại, công ty, đồng nghiệp, bố mẹ, bạn bè đã tích lũy . Họ tiến chậm trên con đường gia tăng năng lực.
Ngây thơ là người cái gì cũng tin vì vậy như ông già đẽo cày giữa đường. Sai lầm của Ngây thơ là không sàng lọc những kinh nghiệm mà người khác truyền cho mình trước khi biến nó thành kinh nghiệm của mình. May mắn thì gặp được người có những kinh nghiệm đúng đỡ lưng, ngược lại thì sẽ nhẩy từ con đường này tới con đường khác và mãi không bao giờ tới đích.
Tư duy sáng tạo hướng tới sự đổi mới theo bước nhẩy lớn. Tư duy logic hướng tới sự đổi mới từng bước rất nhỏ. Tư duy kinh nghiệm hướng tới sự ổn định và an toàn. Một nhóm làm việc nếu có đủ tối thiểu 3 thành viên theo 3 hướng tư duy khác nhau cộng với có niềm tin vào nhau thì không khó khăn nào không thể vượt qua.
Một cá nhân khó mạnh cả 3 loại nên cần biết tận dụng loại tư duy mà mình có thế mạnh để lựa chọn làm các công việc phù hợp tương ứng.
Chúng ta cũng cần phân biệt một số khả năng sau trong tư duy kinh nghiệm:
- Khả năng tích lũy kinh nghiệm: là việc chúng ta tích lũy kinh nghiệm nhanh tới đâu. Thông thường kinh nghiệm sẽ tích lũy nhiều từ thất bại nhưng có người thất bại đi thất bại lại ở cùng một hoàn cảnh nhưng vẫn không rút ra được kinh nghiệm gì.
- Khả năng sử dụng kinh nghiệm: Có kinh nghiệm rồi nhưng sử dụng không linh hoạt vì mỗi hoàn cảnh đều có những xáo trộn, không bao giờ giống y chang với hoàn cảnh cũ.
Do vậy một người có năng lực tư duy kinh nghiệm tới đâu phụ thuộc vào Khối lượng kinh nghiệm mà anh ta sở hữu và kỹ năng sử dụng kinh nghiệm đó. Khi anh ta càng lớn tuổi thì khối lượng kinh nghiệm ngày càng tăng lên nhưng kỹ năng sử dụng kinh nghiệm là yếu tố liên quan tới việc thực hành rèn luyện có thể không tăng tương ứng. Điều này dẫn tới việc là anh ta không xử lý được khối lượng kinh nghiệm đang nắm giữ một cách hiệu quả.
Bình luận (0)