Quay lại
Tư duy logic - Phần 2

Nguyên tắc logic: nhân quả và đúng sai

Ngay bản thân chữ “logic” đã nói lên hết nguyên tắc của tư duy logic rồi. Tuy nhiên nói tới nguyên tắc thì chúng ta không thể hiểu mơ hồ được vì hiểu mơ hồ sẽ dễ tới cách làm sai.

1. Nguyên tắc nhân quả

Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại đều có thể trả lời nó từ đâu mà ra. Mọi kết quả đều phải có nguyên nhân. Có thể là 1 nguyên nhân hoặc tập hợp nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn phải có nguyên nhân.

Cái ghế tôi đang ngồi không tự nhiên mà có. Ghế đó được một xưởng sản xuất nào đó sản xuất ra. Nguyên vật liệu làm lên cái ghế không tự nhiên mà có, nó có từ gỗ trên rừng, thép từ nhà máy luyện thép,…

Quán bar Luxury cháy là một sự kiện. Sự kiện cháy phải bắt nguồn từ nguyên nhân nào đó. Ta không thể bảo là Quán bar Luxury tự nhiên cháy mà không có nguyên nhân được. Vì biết chắc rằng phải có nguyên nhân nên người ta mới bỏ sức ra điều tra.

Doanh thu đột nhiên tăng hay giảm phải có nguyên nhân. Khách hàng từ chối mua sản phẩm của ta phải có nguyên nhân. Không có ai bước chân vào quán cafe của ta cũng chắc chắn phải có nguyên nhân.

Đây là chân lý rất rõ ràng nó giúp ta có nhận thức rằng câu hỏi “Tại sao có cái này ?” luôn có câu trả lời. Ta trả lời được hay không là do năng lực của chúng ta chứ không phải là nó không có. Không phải bệnh ung thư không thể chữa khỏi mà vì chúng ta chưa tìm ra thuốc chữa mà thôi. Chính vì mọi vấn đề đều có lý do từ đó có giải pháp nên con người mới bỏ thời gian, tiền của ra để đi tìm chúng.

Một kết luận đúng phải xuất phát từ nguyên nhân đúng và đủ, nếu không kết luận sẽ trở thành không đúng.

Giả sử ta có một phát biểu Vì có A nên có B:

– Nếu như phải có thêm cả C thì mới có B thì phát biểu trên sai (Chú ý nguyên tắc logic tiếp theo, không có trạng thái vừa đúng vừa sai; không đủ cũng là sai)

– Nếu như việc có hay không có A không ảnh hưởng gì tới B thì phát biểu cũng sai.

Làm sao bạn biết được A là nguyên nhân của B? hay làm sao bạn có thể tìm được các nguyên nhân của một vấn đề?

Đối với những chân lý bản thể:

Bạn biết rõ rằng cái điện thoại đang dùng không tự nhiên mà có. Nó được bạn hoặc một ai đó mua từ một cửa hàng A. Cửa hàng A này mua từ nhà sản xuất B nào đó. Nhà sản xuất B mua các linh kiện từ các nhà cung cấp C1, C2, C3..

Tại sao bạn biết được điều này? Đơn giản logic là phải vậy. Apple không sản xuất mọi khâu để ra cái Iphone.

Đối với những chân lý logic.

Đang đi bon bon trên đường, xe của bạn bị xịt lốp, bạn dự đoán nguyên nhân là do đâm phải đinh. Tại sao bạn có thể chắc chắn 100% như vậy khi mà chưa hề kiểm tra cái lốp? vì bạn đã từng có trải nghiệm thực tế này rồi, bạn nghe người khác truyền lại trải nghiệm của họ, bạn dùng phương pháp loại trừ.

Tóm lại khả năng suy đoán A là nguyên nhân của B đúng tới đâu phụ thuộc hầu hết vào kinh nghiệm của bạn, kiến thức của bạn. Càng trải nghiệm nhiều, càng biết nhiều về một lĩnh vực thì càng dễ dàng tìm ra A nhưng đó chưa đủ. Kiến thức + khả năng tổng hợp và phân tích sẽ giúp tìm ra A.

Giờ bạn đã hiểu tại sao bạn không thể tìm ra nguyên nhân cháy bar Luxury giỏi bằng cảnh sát chữa cháy. Bạn không thể tìm ra nguyên nhân hỏng của một cái xe giỏi bằng thợ sửa xe. Bạn không thể trả lời tại sao khách hàng không dùng sản phẩm của bạn giỏi bằng chính khách hàng.

Vậy làm sao bạn biết được là B sẽ sinh ra C? hay làm sao bạn biết được hậu quả của một vấn đề?

Một cái ô tô đang lao nhanh trên đường bị cán phải đinh thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn có thể dự đoán được vì chính bạn đã từng ở trong tình huống đó, bạn suy đoán rằng khi một lốp bị xịt sẽ làm một bên ma sát cao hơn bên còn lại khiến cho người lái xe bị mất lái, bạn xem video về nó.

Bạn trả lời được vì bạn có kiến thức về cái xe, bạn từng chứng kiến.

-> Khả năng bạn tìm ra C cũng lại phụ thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm của bạn ở lĩnh vực đó. Vì dù sao B cũng là nguyên nhân của C trong khi nó là kết quả của A trong mối quan hệ AB.

Có phải càng làm lâu thì càng có tư duy logic?

Câu trả lời là không, nó là điều kiện cần nhưng chưa đủ vì bạn thu được kiến thức đúng từ các trải nghiệm. Cùng một trải nghiệm nhưng mỗi người lại nhận thức khác nhau. Kiến thức sai sẽ dẫn tới phát biểu sai mệnh đề “A là nguyên nhân của B”.

Các tình huống luôn sẽ có sự khác biệt đòi hỏi bạn phải có khả năng tổng hợp và phân tích. Ít khi trong công việc hay cuộc sống bạn gặp lại một vấn đề giống y chang vấn đề từng gặp trong quá khứ. Cũng là hết xăng giữa đường nhưng ở vị trí khác nhau thì hậu quả khác nhau, giải pháp khác nhau. Cũng là sửa cái xe nhưng xe khác nhau sửa sẽ khác nhau cho dù nó mắc cùng một lỗi. Điểm yếu của máy móc chính là ở chỗ này; nó sẽ không phát hiện ra sự khác biệt để có sự điều chỉnh tương ứng; chính vì vậy khi ai đó giải quyết một vấn đề giống trong quá khứ bất chấp sự khác biệt thì ta bảo ” Anh ta làm việc rất máy móc”

2. Nguyên tắc Có hoặc Không, Đúng hoặc sai

Một sự vật, hiện tượng không thể vừa có vừa không có, nó chỉ có thể ở một trong hai trạng thái.

Hoặc là có cái cốc ở trên bàn của tôi hoặc là không có cái cốc trên bàn của tôi. Không có trạng thái trung gian giữa hai trạng thái này.

Bạn cho tiền một bà ăn xin bê theo con nhỏ vì tình thương, hành động đó đúng hay sai? Hành động đó có thể đúng hoặc sai tùy vào tình huống cụ thể. Nếu như bà ăn xin thấy rằng việc bế theo đứa trẻ sẽ giúp cho việc xin ăn được tốt hơn bà sẽ tiếp tục bê theo đứa trẻ mà rất có thể là bà thuê của một ai đó. Những bà ăn xin khác học theo mô hình đó nên sẽ có nhiều đứa trẻ đáng nhẽ ở nhà trẻ thì phải đi cùng người lớn vạ vật kiếm tiền.

Nhưng cũng có thể hành động của bạn đúng vì hoàn cảnh đó đáng thương thật; bạn cho tiền đã giúp cho người đó có miếng ăn vào buổi trưa. Vấn đề là bạn có đủ dữ liệu để biết hành động của mình đúng hay sai hay không? Đã có người tự hủy hoại bản thân chỉ để đi xin ăn được tốt hơn. Thấp hơn là họ không cố gắng trong cuộc sống vì xin tiền dễ quá; vậy cho tiền cũng không phải là dễ; không phải có cho đi là tốt.

Như vậy đúng hay sai phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Không có tình huống nào vừa đúng vừa sai.

Nếu A là tập hợp của 10 tiêu chí thì chỉ cần một tiêu chí trong đó sai thì A sai. A chỉ đúng khi 10 tiêu chí đều đúng. Không có trạng thái chuyển đổi từ sai thành đúng; từ A sang phủ định của A.

 Vậy làm sao bạn biết một cái gì đó là đúng hay sai? hay nói cách khác làm sao bạn có thể minh định được?

Đầu tiên bạn phải xác định rõ tiêu chuẩn của đúng hay sai là gì. Tiêu chuẩn khác nhau thì câu trả lời sẽ khác nhau. Nếu như tiêu chuẩn để tham chiếu của bạn bao gồm 10 tiêu chí thì nếu như bất cứ một tiêu chí nào là sai thì cái đó sai.

Khi đã có tiêu chuẩn thì bạn phải có đủ thông tin về sự vật, sự kiện đó thì mới có thể so sánh để đưa ra kết luận được. Bạn phải hết sức chú ý tới nguồn tin và sự đầy đủ của tin.

Mệnh đề “Người lao động sẽ bị thiệt với cách tính lương hưu mới” là đúng hay sai? Bạn sẽ phải tính toán số tiền theo cách tính cũ để làm tiêu chuẩn và tính số tiền theo cách tính mới để làm so sánh. Chừng nào bạn chưa tính được thì chưa thể kết luận.

“Samsung bỏ một tỷ đô để xây nhà máy thứ 3 tại Việt Nam” là tốt hay không tốt?

“Mỹ tấn công IS” là đúng hay sai ?

“Việt Nam không có phản ứng rõ ràng về việc Trung quốc mở rộng đảo Gạc Ma” thế là tốt hay không tốt?

Nếu phải so sánh hai giải pháp xem cái nào tốt hơn thì phải so sánh nó trên từng tiêu chí từ đó xem giải pháp nào tốt hơn. Rất nhiều các tranh luận trong cuộc họp tốn thời gian vì rằng người họp xác định các tiêu chuẩn khác nhau. Muốn thoát khỏi tranh luận vô bổ phải thống nhất chung một tiêu chuẩn so sánh đã.

Hơn 20% học sinh Đà nẵng có biểu hiện rối loạn tâm lý có phải là một phát biểu đúng? Dữ liệu để đưa ra kết luận này là việc điều tra 3 trường phổ thông trên địa bàn. 3 trường phổ thông trên tổng số gần trăm trường từ tiểu học tới THPT của Đà nẵng. Mẫu không đủ vậy kết luận này là không chắc chắn.

Trong hầu hết các trường hợp bạn không có được đầy đủ thông tin để đưa ra kết luận một cái gì đó là đúng hay sai. Nếu như hoàn cảnh của bạn không bắt buộc phải đưa ra kết luận thì bạn đừng có kết luận gì cả, chỉ xem mà không đánh giá. Sai lầm của hầu hết chúng ta là đưa ra nhận định, đánh giá trong khi chẳng ai yêu cầu.

Bình luận (0)

Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough
Michael Gough

Bài viết liên quan

Learning English Everyday