Sách:Thói quen thứ 8 - P3 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-08-27 758 Lượt xem 25 Lượt thích 0 Bình luận
Lãnh đạo và Quản lý
( Entry này được viết dựa trên ý tưởng của cuốn Thói quen thứ 8 ; bạn có thể phải đọc từ P1 của chủ đề này nếu như không hiểu một số khái niệm trong entry)
Lãnh đạo và Quản lý khác nhau ở điểm nào? Lãnh đạo bản thân khác gì với Quản lý bản thân? Lãnh đạo gia đình khác gì với Quản lý gia đình? và Lãnh đạo doanh nghiệp khác gì với Quản lý doanh nghiệp?
Có khi nào bạn nghe nói tới Lãnh đạo ô tô, lãnh đạo nhà cửa, lãnh đạo tài chính, lãnh đạo bàn ghế, lãnh đạo đàn bò ? Không, người ta chỉ nói lãnh đạo con người. Người ta nói lãnh đạo gia đình, lãnh đạo doanh nghiệp vì gia đình, doanh nghiệp là một một tập hợp nhiều con người, được gọi chung là tổ chức.
Như entry trước có đề cập tới, con người khác với mọi đồ vật, con vật ở quyền lựa chọn. Khi bạn cần xuống dòng bạn bấm phím enter, gõ phím “a” thì hiện chữ “a”, bạn vẽ hình tròn thì chắc chắn nó là hình tròn …. Bạn biết chắc chắn rằng máy tính sẽ thực thi lệnh của bạn (nếu nó không gặp trục trặc), bạn không phải lo bấm phím a nhưng nó lại ra chữ a méo mó hơn chuẩn.
Con người thì khác, bạn bảo 10 người vẽ một hình tròn thì sẽ có 10 hình tròn to nhỏ, méo mó khác nhau thậm chí là có người còn chẳng buồn vẽ. Nếu bạn đưa ra một chuẩn mực về hình tròn thì cũng chẳng đảm bảo được 10 người đó vẽ đúng chuẩn đó vì kỹ năng mỗi người mỗi khác, mà thế quái nào cũng có ông tỏ thái độ bất hợp tác, cóc thèm vẽ đặc biệt nếu họ biết bạn không kiểm tra lại thì họ sẽ vẽ hình vuông.
Lãnh đạo nhằm đảm bảo rằng Người ta sẽ vẽ hình tròn một cách tự nguyện, tốt nhất trong khả năng của họ. Con người có quyền lựa chọn, và như đã nói ngay cả bạn dí dao vào cổ anh ta thì anh ta cũng vẫn không mất quyền đó.
Bạn có cần phải lãnh đạo dòng tiền không? Không, bạn Quản lý dòng tiền, vì tài chính có những quy luật nhất định kiểu như thả cục gạch từ trên cao xuống thì chắc chắn nó rơi. Nhưng bạn phải lãnh đạo phòng kế toán vì phòng kế toán bao gồm những con người có quyền lựa chọn để thực thi sai lệch đi so với cái bạn muốn. Họ bảo với bạn là tôi đã làm đúng như anh yêu cầu nhưng thực tế họ lại làm khác và vì vậy cái kết quả bạn dự kiến phải diễn ra thì nó không diễn ra.
Bạn không cần lãnh đạo máy tính nhưng bạn cần lãnh đạo phòng kỹ thuật. Bạn không cần lãnh đạo chính sách bán hàng nhưng bạn cần lãnh đạo phòng KD.
Bạn cũng không cần phải lãnh đạo nhà cửa, đồ đạc, quần áo,… nhưng bạn phải lãnh đạo gia đình vì gia đình bao gồm những con người. Tóm lại, nếu con người cũng giống như máy móc thì ta không cần lãnh đạo nữa.
Có thể bù đắp sự thiếu hụt năng lực lãnh đạo bằng gia tăng quản lý không? Có nghĩa là ta đưa ra chuẩn mực hình tròn, dạy họ cách vẽ hình tròn, phạt họ nếu họ vẽ không đúng và thưởng nếu họ vẽ đúng, tăng người theo dõi quá trình họ vẽ, kiểm tra chi li từng hình tròn họ tạo ra có đúng chuẩn không. Nếu đúng như vậy thì đã coi con người là cái máy rồi, chi phí bỏ ra sẽ tốn hơn nhiều so với kết quả làm ra mà như đã nhấn mạnh cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng không mất đi quyền lựa chọn.
Khi một doanh nghiệp hướng tới việc ban hành thật nhiều quy định, quy trình, nội quy, thưởng phạt,….thì họ đang bị cuốn vào việc Quản lý, coi con người là máy móc.
Ngược lại khi doanh nghiệp hướng quá nhiều vào lãnh đạo như chỉ khuyến khích họ làm mà không chỉ ra họ phải làm cái gì, phải đạt tới cái gì thì sẽ sinh ra sự lộn xộn.
Việt Nam thắng Pháp, Mỹ vì Việt Nam dùng nhiều tới chức năng lãnh đạo trong khi đối thủ lại dùng nhiều tới chức năng quản lý. Hãy thử hỏi, phải cần bao nhiêu tiền để một người lính sẵn sàng hy sinh ngoài chiến trường? Cần bao nhiêu tiền để họ sẵn sàng trở thành người tàn tật? Bao nhiêu tiền để họ rời xa người vợ mới cưới hôm trước, để không nhìn thấy con mình sinh ra? Đó là cách mà Pháp và Mỹ làm, họ không dùng được chức năng Lãnh đạo vì cuộc chiến của họ phi nghĩa; lính của họ làm sao có thể dũng cảm như người lính VN được.
Lãnh đạo và Quản lý đều quan trọng như nhau và cho dù bạn ở bất cứ cấp bậc nào thậm chí có đang thất nghiệp thì vẫn phải sử dụng tới hai kỹ năng này. Vì đơn giản, chúng ta là con người mà đã là con người thì phải lãnh đạo.
Con người ở bất cứ doanh nghiệp nào cũng là con người vì vậy họ đều có các đặc điểm của con người. Do vậy, Chức năng Lãnh đạo ở doanh nghiệp A cũng không khác gì mấy so với ở doanh nghiệp B cho dù A và B có lĩnh vực KD hoàn toàn khác nhau.
Đặc điểm của Tổ chức
Chúng ta bất cứ lúc nào cũng đang thuộc về một tổ chức nào đó. Khi ở nhà chúng ta ở trong tổ chức gia đình, khi bước chân ra khỏi nhà chúng ta tham gia tổ chức xã hội (giao thông, quán cafe, rạp chiếu phim,….); và dành nhiều thời gian nhất ở tổ chức công ty.
Một tổ chức có lý do tồn tại giống như lý do tồn tại của bạn. Một tổ chức có các năng lực cốt lõi giống như bạn cũng có năng lực cốt lõi. Tổ chức chỉ khác cá nhân ở việc nó bao gồm sự kết hợp của nhiều cá nhân khác nhau.
Tổ chức là tập hợp của những cá nhân khác nhau vì vậy hợp các đặc tính của cá nhân thì sẽ là đặc tính của tổ chức:
Mỗi người trong tổ chức đóng một vai trò nhất định vào hình thành nên đặc tính của tổ chức. Tuy nhiên có 3 nhóm người ảnh hưởng lớn nhất là:
- Chủ sở hữu (HĐQT)
- Ban giám đốc (CEO, CFO,..)
- Các trưởng phòng
Càng lên cao thì mức độ ảnh hưởng lại càng lớn. Ví dụ một CEO có lương tâm sẽ không chấp nhận được một ông trưởng phòng dưới quyền vô lương tâm và anh ta sẽ tìm cách thay thế. Một ông trưởng phòng có lương tâm tới lượt mình lại không chấp nhận một nhân viên dưới quyền vô lương tâm.
1.Lương tâm của cá nhân -> Sự Tin cậy trong tổ chức
Nhìn từ bên ngoài đó là “Một tổ chức có lương tâm“. Một tổ chức có lương tâm giống như một con người có lương tâm. Mỗi hành động của tổ chức mang lại giá trị cho khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, xã hội và từng thành viên trong đó. Có thể nói công ty Fomosa là công ty vô lương tâm vì họ gây hại cho môi trường để giảm chi phí xử lý chất thải của bản thân.
Một người có lương tâm sẽ sở hữu rất nhiều đức tính tốt như chính trực, nhiệt tình, rộng lượng, tự trọng. Điều đó tạo nên sự tin cậy lẫn nhau trong tổ chức. Tôi tin cậy anh nên tôi không dò xét, kiểm soát anh. Nếu tôi nghi ngờ tư cách của anh thì ngay cả khi anh làm tốt tôi cũng không tin tưởng. Một tổ chức thiếu sự tin cậy nhau thì sinh ra các bệnh như đổ lỗi, chống đối, giao tiếp thận trọng, dòng thông tin trong DN bị bế tắc.
2.Đam mê của cá nhân -> Trao quyền của tổ chức
Nhìn từ bên ngoài đó là “Một tổ chức có đam mê“. Chúng ta hay nghe các quảng cáo kiểu như “Chúng tôi đam mê sữa”, “Chúng tôi đam mê việc mang lại cái đẹp cho người khác”, “Chúng tôi đam mê tạo ra chiếc xe ngày càng an toàn hơn”….
Người ta dùng cụm từ “Tổ chức đam mê” nhằm tạo sự liên tưởng của khách hàng giống như một cá nhân đam mê. Cá nhân đam mê một cái gì đó thường họ sẽ tạo ra những giá trị xuất sắc; một tập thể đam mê sản phẩm họ bán ra thì chắc sản phẩm đó cũng phải xuất sắc.
Nhà sáng lập một tổ chức thường có trong mình sự đam mê lĩnh vực họ kinh doanh. Nhờ có đam mê họ mới vượt qua được rất nhiều khó khăn để từ không có gì hình thành nên doanh nghiệp. Nếu có thể truyền sự đam mê đó cho những người quan trọng trong công ty thì sẽ hình thành nên một tổ chức có đam mê. Thể hiện ra bằng việc cấp trên tin tưởng trao quyền cho cấp dưới mà không lo anh hay chị ta không làm tới nơi tới chốn.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đam mê cafe thành lập ra Trung Nguyên. Sẽ tuyệt vời nếu ông ta tuyển được những người cũng đam mê cafe như ông ta làm cùng. Vị trí quản lý cửa hàng, nhân viên pha chế, bồi bàn, ông trông xe,….Nếu tất cả họ cũng yêu thích cuồng dại với cafe thì sợ gì mà không làm ra được những cốc cafe tuyệt vời.
Khi con người đam mê cho một cái gì đó họ sẽ dành rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức vào điều đó. Trong khi đó những người khác nếu không đam mê chỉ dành một ít thời gian, chấp nhận một ít chi phí cơ hội, một ít sức lực. Một người đam mê lập trình ngồi cả ngày bên máy tính với trạng thái tập trung cao độ chắc chắn hơn những người mỗi ngày giở ra một tí đọc lấy lệ.
3.Tầm nhìn của cá nhân -> Tầm nhìn chung của tổ chức
Lấy ví dụ bạn là một người rất được tin tưởng trong một nhóm bạn. Nhóm trao cho bạn quyền được lựa chọn điểm đi chơi vao dịp nghỉ lễ 2/9 tới. Tới ngày đó vì muốn bất ngờ, bạn dẫn nhóm bạn đi mà không thông báo điểm đến. Ban đầu mọi người đều vui vẻ vì tin tưởng vào lựa chọn của bạn (mặc dù họ còn chưa biết nó là gì).
Rồi trên quãng đường đi mọi người bắt đầu tự hỏi Mình đang đi đâu? Sao đường xa thế? khó đi thế? Tâm trạng hoang mang chán nản lan tràn. Mọi người không biết phía trước là gì, không biết mình sẽ phải làm, không có động lực về một bờ biển cát trắng mịn hoang sơ ( mà bạn đã cố giấu để tạo sự ngạc nhiên).
Không phải ai cũng có tầm nhìn xa nhưng họ có thể nhìn được thông qua người khác. Nếu nhân viên của anh không nhìn thấy thì anh với vai trò quản lý có tầm nhìn hãy chỉ cho người đó. Giám đốc điều hành trong công ty thường là người có tầm nhìn xa nhất; họ biết tổ chức phải đi về đâu và bằng cách nào. Nếu họ có thể chia sẻ tầm nhìn đó tới từng nhân viên thì mỗi nhân viên sẽ “nhìn” thấy và từ đó biết mình phải chuẩn bị gì cho quãng đường đi, họ cũng cảm thấy được tôn trọng vì đã được chia sẻ tầm nhìn.
Thông thường thì tầm nhìn ít được chia sẻ trong toàn bộ công ty vì nguyên nhân bảo mật hoặc do đường đi quá chông gai khiến cho việc phổ biến có thể tạo ra nỗi sợ cho nhân viên. Giống như trong phim các cuộc chiến người ta phải che mắt con ngựa để không làm nó hoảng sợ.
Tuy nhiên, không phải anh biết đường đi lên đỉnh Everest là anh có thể trèo lên đó. Nếu như anh sợ việc leo núi thì anh có thể rời bỏ tổ chức, đó cũng là cách để loại bỏ những người không phù hợp với tổ chức. Do vậy thường việc không chia sẻ tầm nhìn đơn giản là vì bản thân người lãnh đạo cũng không rõ, không chắc chắn về tầm nhìn.
4.Kỷ luật của cá nhân -> Đồng bộ của tổ chức
Nhìn từ bên ngoài đó là “Một tổ chức có kỷ luật”. Khi nhắc tới cụm từ này tôi nghĩ tới một tổ chức có tính nhất quán thể hiện trong nhiều chục năm họ theo đuổi một ngành nghề nhất định, sẵn sàng trả chi phí cho các nguyên tắc họ theo đuổi.
Khi nào bạn đánh giá rằng cái quán ăn kia là một quán ăn có kỷ luật? Đó là khi mà mỗi người trong quán đó tuân thủ một cách nghiêm túc các tiêu chuẩn đề ra ngay cả khi không có sự theo dõi từ khách hàng hay từ quản lý.
Những gì diễn ra bên trong đó là sự đồng bộ của tổ chức thể hiện bằng việc mỗi người như một bánh răng trong một bộ máy, họ tương tác với nhau một cách ăn khớp, bộ máy hoạt động trơn tru hiệu quả.
Bộ phận bếp biết rằng trách nhiệm của họ là tạo ra các món ăn ngon trong thời gian đúng tiêu chuẩn. Bộ phận bồi bàn biết rằng trách nhiệm của mình là phải tiếp đón khách như thế nào, phục vụ họ ra sao. Mỗi bộ phận biết rõ mình phải làm gì và tuân thủ vô điều kiện.
Ngược lại nếu như mỗi cá nhân, mỗi phòng ban biết mình phải làm gì nhưng không tuân thủ theo thì sẽ tạo ra sự va chạm giữa các phòng với nhau. Kết quả là khi có lỗi thì đổ cho nhau, khi có thành quả thì tranh dành của nhau.
Phần 1: Bốn nhu cầu của con người
Phần 2: Bốn năng lực của con người
Túm lại thì thói quen thứ 8 là gì? Đó là thói quen tìm ra “tiếng nói” của bản thân và khơi dậy “tiếng nói” của người khác.
Thói quen đầu tiên là luôn cố gắng hoàn thiện hơn 4 năng lực của mình bao gồm
1. Lương tâm
2. Đam mê
3. Tầm nhìn
4. Kỷ luật
Thói quen thứ hai giúp người khác hoàn thiện năng lực của họ, đó là khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo gắn liền với tổ chức vì vậy chúng ta có năng lực của tổ chức, nơi mỗi thành viên trong nó được khơi dậy lương tâm, đam mê, tầm nhìn, kỷ luật.
Nói tới thói quen là nói tới các hành động lặp đi lặp lại. Không có điểm dừng trong việc phát triển bản thân. Khi bạn tới điểm A sẽ có điểm B tiếp theo để bạn phấn đấu, mãi mãi không bao giờ có giới hạn.
Bình luận (0)