Tư duy logic - Phần 6 Chuyên mục Sách Và Cuộc Sống 2023-06-01 1.2k Lượt xem 13 Lượt thích 0 Bình luận
Kỹ thuật suy luận đúng
Trong cuộc sống chúng ta có ba tình huống chính phải dùng tới tư duy logic:
1. Giúp nhận định về một lập luận, suy luận, dự đoán, đánh giá là đúng hay sai.
2. Giúp tìm kiếm các nguyên nhân, hậu quả.
3. Giúp trình bày, lắng nghe và ghi nhớ.
Trường hợp 1 là trường hợp điển hình chúng ta thường xuyên gặp, mở mắt ra là gặp. Bạn càng giỏi thì vấn đề bạn gặp cũng càng phức tạp hơn vì vậy chúng ta luôn luôn phải đương đầu với việc biết đâu là đúng đâu là sai:
Ví dụ các bài viết sau mức độ minh định là khó dần:
– Phía sau câu chuyện của một con chó ghẻ giá 6 triệu đồng
– Cán bộ, công chức hay bọn giang hồ, thảo khấu?
– Lời cảnh báo về nguy cơ tự suy vong của đạo Phật
Mức độ khó của bài viết phụ thuộc vào trình độ của người viết trong chuyên môn mà bài báo đề cập tới. Nếu một bài viết có chuyên môn nằm trọn trong hiểu biết của chúng ta thì dễ nhận định. Bài viết càng xa rời hiểu biết thì khiến ta còn không hiểu là nó nói gì chứ chưa nói tới đánh giá.
Lời khuyên tôi lặp lại là Bạn đừng đánh giá bất cứ cái gì mà bạn không bắt buộc phải đánh giá cũng như bạn đừng đọc bất cứ cái gì mà bạn thấy rằng nó chẳng có ích gì cho tương lai của bạn và gia đình bạn hoặc nó vượt quá khả năng bạn có thể đánh giá nó đúng hay sai.
Trường hợp 2 và 3 là trường hợp thường xuyên phải gặp trong công việc và cuộc sống. Càng kém cái này thì làm càng kém hiệu quả vì không biết mình làm việc A để làm gì và tại sao phải làm việc A.
Trong entry đầu tiên tôi có nhắc tới việc nếu có trải nghiệm nhiều và nhận thức đúng trong các trải nghiệm ta sẽ có khả năng dự đoán các nguyên nhân và các hậu quả đúng. Nhưng chẳng nhẽ chúng ta cứ phải trả giá về thời gian, tiền bạc để có cái đó? Entry này là một tóm tắt cho các kỹ thuật để giúp bạn tiến nhanh hơn trên con đường luyện tập về suy luận đúng.
1. Nhận biết đúng và đủ các đối tượng tham gia vào sự kiện
Nếu bạn mở một quán cafe thì sẽ có những đối tượng nào liên quan?
– Bạn, gia đình bạn
– Bạn bè của bạn.
– Ông chủ cho thuê nhà.
– Hàng xóm
– Các nhà cung cấp
– Khách hàng
– Cơ quan thuế
– Quản lý thị trường
– Y tế quản lý vệ sinh thực phẩm
– Công an giao thông, công an phường,..
– Bảo kê khu vực (nếu có)
Mỗi đối tượng sẽ tác động vào công việc của bạn khiến kết quả thay đổi. Hiệu ứng cánh bướm sẽ khiến bạn phải trả giá (hoặc được lợi) từ những hành động tưởng như nhỏ bé của các đối tượng có trong phương trình của bạn.
Để liệt đầy đủ ta phải có kỹ thuật chia nhóm:
– Chia theo Bên trong và Bên ngoài: ta rất thường hay chia nhóm theo cách này ví dụ:
+ Trong công ty và ngoài công ty
+ Ta và những người quanh ta
+ Trong gia đình và ngoài gia đình
+ Trong nhà và ngoài nhà
+ Âm và Dương
….
Khi phân nhóm chú ý rằng hợp của các thành phần nhóm phải đầy đủ và không được giao nhau.
– Chia theo chức năng: Nhà cung cấp, Khách hàng, Đối thủ, cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công, dịch vụ tư, dịch vụ giải trí, công việc, cuộc sống, các mối quan hệ,…
– Chia theo ảnh hưởng tích cực và tiêu cực, theo mức độ ảnh hưởng, theo chủ quan và khách quan, theo ảnh hưởng trước mắt và lâu dài,….
Tóm lại ta lựa chọn tiêu chí phù hợp và phân nhỏ ra. Nhớ nguyên tắc hợp của các thành phần phải bằng tổng.
2. Hiểu đúng khả năng tác động của các đối tượng
Mỗi đối tượng mà bạn liệt kê ra đều có đặc điểm, vai trò, khả năng, nhu cầu riêng. Cơ quan thuế không thể kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan y tế không thể kiểm tra bạn đã nộp đủ thuế chưa, bạn sơ sơ không thể cho bạn vay tiền nhiều, đừng đặt giá vượt quá khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu,…
Con mèo không thể là nguyên nhân của việc đĩa lạc trên bàn biến mất vì mèo không thích ăn lạc. Con chó không thể là nguyên nhân của việc mất đĩa cá trên bàn vì nó không thể nhảy lên trên mặt bàn. Cái ghim thường hay dập ghim không thể chọc lủng cái lốp xe ô tô….
Một nhạc sỹ không thể có đánh giá chuẩn về kiến trúc một ngôi nhà. Một nhà văn không thể nói chuẩn về một tôn giáo. Một kiến trúc sư không thể mổ đẻ. Một con vịt không thể bắt chuột.
Những ví dụ trên ta thấy đơn giản vì nó quá hiển nhiên nhưng khi một đối tượng nào đó vượt quá sự hiểu biết của ta thì ta sẽ thấy không hề đơn giản. Ví dụ như sự kiện Nhà nước hồi giáo tự xưng IS, sự kiện 30 năm chiến tranh Việt Nam, mở cafe tại nước ngoài, hoạt động của hệ thống ngân hàng,….
3. Hiểu về các quy luật vận động
Bạn biết tại sao Việt Nam vẫn phải đầu tư vào Khoa học cơ bản không ? tại sao ta không thể đi tắt đón đầu được? Vì mọi phát minh lớn đều phải xây dựng trên nền tảng của khoa học cơ bản. Ta chẳng thể phát minh hay làm chủ được cái gì khi mà không làm chủ được khoa học cơ bản.
Tất cả các ngành nghề, thiên nhiên, cuộc sống con người,.. đều đang vận hành theo một quy luật của riêng nó.
Nước bay hơi tạo thành mây, mây tạo thành mưa đổ xuống rồi lại bay hơi. Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, bệnh tật, già nua và chết đi.
Vì không có cái gì tự sinh ra cũng tự mất đi nên mọi thứ đều đang vận hành theo một chu kỳ khép kín.
Bạn làm sao có thể tìm ra nguyên nhân gây ra hiệu suất thấp của hệ thống doanh nghiệp khi mà kiến thức quản trị của bạn là con số không. Bạn không thể đánh giá hay dự đoán tình hình kinh tế khi không có khái niệm gì về kinh tế vĩ mô. Bạn không thể sửa được ô tô khi không biết lỗi này thuộc về chức năng của bộ phận nào. Không thể dự đoán hành vi của khách hàng khi không hiểu gì về kinh tế vi mô. Không thể giao tiếp tốt khi không hiểu về con người.
Những bài toán đi tìm nguyên nhân hay hậu quả chúng ta gặp hàng ngày rất ít khi lặp lại nguyên xi nhưng chúng có những điểm giống nhau về nguyên tắc. Giải quyết được vấn đề trước mắt là tốt nhưng phải tiến xa hơn là hiểu ra nguyên tắc để có thể phán đoán tốt khi gặp một tình huống gần giống.
Khi muốn làm chủ một lĩnh vực nào đó chúng ta phải hỏi đâu là cái gốc, bản chất của lĩnh vực đó. Sau đó tập trung vào học cho tốt những thứ cơ bản song song với liên hệ với tình huống thực tế.
4. Phát triển các ý có mối quan hệ
Khi đang ở ý A bạn có ba con đường để đi tiếp:
– Chuyển sang ý B cùng cấp với ý A.
– Chuyển tới trước ý A ra nguyên nhân
– Chuyển về sau ý A để ra kết quả
Không nên từ A lại nhẩy ra C mà C ở tít đâu đó. Nếu bạn đang ở A thì chỉ nghĩ những thứ quanh A thôi, như thế ý nghĩ của bạn sẽ liền mạch
5. Phát biểu
Nếu chúng ta nói 2 mệnh đề thì khá đơn giản. Ví dụ:
– Xe em hỏng nên em tới muộn
– Trời đẹp quá đi uống cafe thôi
– Đang có vé máy bay giá rẻ mày mua chưa?
– Hôm qua trời mưa cả ngày nằm nhà xem ti vi.
….
Tốt nhất nếu không có gì thúc ép thì khi giao tiếp bạn chỉ nói hai mệnh đề một lần. Để tránh bị cụt lủn thì ta có thể thêm hoa lá cành để câu nói giàu chất văn hơn.
Khi cần phát biểu lớn hơn 2 mệnh đề ta sẽ dễ nhầm lẫn vì ta vừa phải nhớ những cái đã nói vừa phải nghĩ những cái sắp nói. Càng nhiều mệnh đề càng dễ nhầm lẫn. Ví dụ:
– Trời hôm qua mưa quá tao ở nhà cả ngày. Đứa nhỏ lại ốm nên mệt bã người. Đời đến là tệ.
– Anh nên mua cái tivi này vì nó rất đẹp, giá rẻ. Hôm qua cũng có nhiều người đắn đo hỏi bạn bè sau đó cũng quyết định mua. Bảo hành cái này 36 tháng mà cũng ít khi hỏng lắm anh ạ. Nếu anh có thẻ khách hàng thân thiết anh lại còn được giảm giá nữa.
Để tránh lộn xộn, ta phải đóng đinh trong đầu là ta đang phải trình bày, giải thích về vấn đề gì. Cái đoạn mà ta đang nói nhằm mục đích gì và ý chính của nó là gì? Nếu được bạn có thể chủ động phân nhỏ vì người nghe cũng không thích phải nghe nhiều do họ cũng gặp phải vấn đề là làm sao nhớ hết được những gì mà bạn vừa nói.
Bình luận (0)